Hiếm muộn (vô sinh) do rất nhiều nguyên nhân gây ra, và không rụng trứng là một trong những lí do thường gặp ở những trường hợp vô sinh nữ. Hãy cùng tìm hiểu lí do tại sao trứng lại không rụng qua bài viết dưới đây.
1. Hiếm muộn (vô sinh) là gì?
Hiếm muộn (vô sinh) được định nghĩa là hai vợ chồng thường xuyên quan hệ tình dục trong một năm, không sử dụng bất kì biện pháp tránh thai nào mà vẫn không có thai. Hiếm muộn là một vấn đề đáng lo ngại của xã hội hiện đại, trong đó nguyên nhân bắt nguồn từ nam giới, từ nữ giới và từ cả hai chiếm tỉ lệ bằng nhau.
Hiếm muộn ở nữ giới có nhiều nguyên nhân, và trên thực tế đôi khi khó có thể xác định chính xác nguyên nhân là gì. Không rụng trứng là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất ở hiếm muộn nữ.
2. Tại sao lại xảy ra hiện tượng không rụng trứng?
Rối loạn rụng trứng ở nữ giới bao gồm không rụng trứng thường xuyên và không rụng trứng hoàn toàn, chiếm tỉ lệ khoảng 1⁄4 số các cặp đôi hiếm muộn. Các vấn đề xảy ra đối với các nội tiết tố sinh sản được sản xuất ra bởi vùng dưới đồi hay tuyến yên, hoặc các vấn đề xảy ra với buồng trứng, có thể gây nên rối loạn rụng trứng.
Hội chứng buồng trứng đa nang (Polycystic ovary syndrome – PCOS): hội chứng buồng trứng đa nang gây nên sự mất cân bằng nội tiết tố, từ đó ảnh hưởng tới quá trình rụng trứng. Hội chứng buồng trứng đa nang có mối liên hệ với hiện tượng kháng insulin và béo phì, sự phát triển mạnh bất thường của lông, tóc trên cơ thể, và trứng cá. Hội chứng buồng trứng đa nang là nguyên nhân phổ biến nhất đối với hiếm muộn ở nữ giới.
Rối loạn vùng dưới đồi: hai nội tiết tố được sản xuất bởi tuyến yên giữ vai trò trong quá trình rụng trứng hàng tháng là nội tiết tố kích thích nang trứng (follicle stimulating hormone – FSH) và nội tiết tố kích thích hoàng thể (luteinizing hormone – LH). Mệt mỏi thể chất, căng thẳng tâm lí, cân nặng cơ thể quá cao hoặc quá thấp, tăng cân hoặc giảm cân quá đột ngột có thể tác động tới quá trình sản xuất các nội tiết tố này và từ đó ảnh hưởng tới quá trình rụng trứng. Chu kì kinh nguyệt không đều hoặc mất kinh, vô kinh là những dấu hiệu thường gặp nhất.
Suy buồng trứng sớm (premature ovarian failure) hoặc còn gọi là thiểu năng hoạt động buồng trứng (primary ovarian insufficiency): rối loạn này thường bắt nguồn từ một đáp ứng tự miễn hoặc do sự thoái hóa của các trứng chưa trưởng thành của buồng trứng (có thể do di truyền hoặc hóa trị). Trứng không còn trưởng thành và rụng như bình thường nữa, và nồng độ nội tiết tố estrogen do buồng trứng tiết ra ở phụ nữ dưới 40 tuổi cũng thấp hơn.
Quá nhiều prolactin: tuyến yên có thể gây ra hiện tượng sản xuất quá nhiều prolactin, dẫn tới tình trạng giảm sản xuất nội tiết tố estrogen và gây hiếm muộn. Bên cạnh nguyên nhân xuất phát từ tuyến yên, prolactin tiết ra quá nhiều cũng có thể do thuốc điều trị mà bệnh nhân sử dụng.
3. Làm thế nào để phòng tránh hiếm muộn ở nữ giới do không rụng trứng?
Hiếm muộn do không rụng trứng ở nữ giới do rất nhiều nguyên nhân gây ra, và không phải tất cả đều có thể phòng tránh được, tuy nhiên để bảo vệ sức khỏe sinh sản và tối ưu khả năng mang thai nên:
Duy trì cân nặng hợp lí: thừa cân, béo phì hay thiếu cân ở nữ giới đều làm tăng nguy cơ rối loạn hoạt động của buồng trứng. Nếu cần giảm cân, hãy tập luyện thật hợp lí, bởi tập với cường độ cao (từ 5 tiếng mỗi tuần trở lên) có mối liên hệ với suy giảm sự rụng trứng.
Bỏ hút thuốc lá: hút thuốc lá gây rất nhiều tác hại tới mọi mặt của sức khỏe con người, bao gồm cả khía cạnh sinh sản. Nếu đang hút thuốc, hãy từ bỏ ngay.
Tránh uống rượu: uống nhiều rượu làm giảm khả năng có thai, và nếu có ý định mang thai, không nên uống rượu hay các đồ uống có cồn.
Giới hạn lượng caffeine: các nghiên cứu gợi ý giới hạn lượng caffeine thu nạp vào cơ thể ở mức dưới 200 mg/ngày sẽ không ảnh hưởng tới khả năng mang thai. Số lượng này tương đương với uống 1 tới 2 tách cà phê mỗi ngày.
Giảm căng thẳng: một số nghiên cứu chỉ ra căng thẳng khiến việc mang thai trở nên khó khăn hơn. Hãy cố gắng giảm hoặc tránh căng thẳng nếu đang có ý định mang thai.