Con lớn lên, nhiều kiến thức hơn, dần thiếu kiên nhẫn và xem thường cha mẹ, khiến họ trở thành một “con nhím” thận trọng.
Một độc giả gửi đến mục tâm sự của Sina câu chuyện của mình: “Tôi mua cho mẹ một chiếc điện thoại thông minh. Mẹ nhờ tôi dạy cách sử dụng. Tôi đã chỉ cho bà cách tải các ứng dụng, sau đó bật máy tính lên để chuẩn bị làm việc. Thế rồi mẹ vào, bà lại hỏi về một phần mềm mới. Lát sau, khi tôi đang xoay sở với đống việc, bà ở bếp than thở vọng ra rằng bà không thể dùng được chiếc máy mới. Dòng ý tưởng công việc bị cắt ngang khiến tôi bực dọc, tôi chạy vào bếp và gắt lên với mẹ. Bà ngước lên nhìn tôi khổ sở: “Hay là thôi, mẹ vẫn dùng điện thoại cũ”. “Tùy mẹ, mẹ muốn thế nào cũng được”, tôi sốt ruột bước ra ngoài, để mẹ một mình với cái điện thoại đời mới.
Đêm khuya hôm ấy, khi chuẩn bị đi ngủ, tôi nhận được tin nhắn của mẹ: “Con à, mẹ đã già. Mẹ quên nhanh điều người khác nói. Mẹ cũng không nhớ cả điều mẹ đã nói. Lúc nấu cơm, có khi mẹ quên cả cắm phích. Con có thể kiên nhẫn hơn với mẹ không?”.
Những dòng mẹ viết làm mắt tôi ướt nhòe. Tôi biết, mẹ không dám nói chuyện trực tiếp với tôi nên đã nhắn tin. Tôi dằn vặt mình: Giá có thể kiên nhẫn hơn một chút nữa.
Những ngày sau đó, mẹ không hỏi tôi về điện thoại nữa. Tự bà đã mày mò, tìm hiểu cách tải ứng dụng”.
Độc giả bày tỏ, anh biết mẹ anh đã tổn thương. Anh chia sẻ: “Điều đáng buồn nhất không phải là thái độ của tôi, mà là thông điệp tôi đã truyền tải qua thái độ ấy, nó nhắn nhủ với mẹ lại rằng: Mẹ đã già rồi, và đang dần trở nên vô dụng”. Giờ đây, khi bình tĩnh nhìn lại, anh cảm thấy day dứt, vì đã để lại những vết sẹo trong lòng đấng sinh thành.
Nỗi buồn lớn nhất của cha mẹ khi họ già đi, chính là buộc phải trở nên thận trọng hơn với con mình.
Thủa ấu thơ, trong mắt trẻ, mẹ cha là người biết mọi thứ, mạnh hơn tất cả. Cha mẹ là hai ngọn núi, che chở, mang lại bình yên cho đứa con.
Nhưng có một ngày, những “ngọn núi” ấy không còn sừng sững nữa. Đó là khi bố mẹ về già. Họ có nhiều điều không dám hỏi, không dám đề cập với con. Lý do đơn giản, tuổi tác khiến họ dễ tổn thương hơn. Đó còn là vì con cái dần thay đổi, trở nên thiếu kiên nhẫn, nhiều kiến thức hơn và dần xem thường người cha, mẹ. Điều đó biến cha mẹ thành một “con nhím” thận trọng.
Bộ phim truyền hình nổi tiếng của Trung Quốc Gia đình hạnh phúc từng lấy đi nước mắt của nhiều người, vì những thông điệp mà nó mang lại. Nội dung phim xoay quanh một thanh niên giỏi giang, là bác sĩ của một viện lớn, tuy nhiên anh không thăng tiến được vì nhiều đồng nghiệp khác có gia đình bề thế, địa vị hơn. Một ngày, trong nỗi thất vọng vì mất đi vị trí tiềm năng, anh về nhà trách cứ bố mình: “Bố mỗi ngày cứ hỏi con có đói không? Bố chỉ lo được cho con chuyện đói, no, không thể nào lo cho con được sự nghiệp”. Lời phàn nàn của đứa con làm người bố trống rỗng, đau khổ. Ông nói: “Là bố sai rồi, là bố không có khả năng đem lại cho con những điều tốt đẹp hơn”.
Sự đồng hành của cha mẹ trong mọi giai đoạn cuộc đời của con giống như một bức tường ngăn giữa con và “Thần Chết”. Bất kể là lên 3, lên 5, hay 40, 60, bạn luôn cảm thấy cái chết ở rất xa chúng ta, khi cha mẹ còn ở bên. Tuy nhiên, khi đấng sinh thành về với cát bụi, những cảm xúc sẽ hoàn toàn thay đổi. Người con cảm thấy mình đã bước sang một giai đoạn mới của cuộc đời, thấu hiểu rõ nỗi đau mất mát bởi sự mong manh của đời sống, họ trở nên già dặn hơn, cô độc hơn, và yếu đuối hơn, khi thiếu đi chỗ dựa quan trọng. Đó là lúc, con cái hiểu được giá trị trọn vẹn của cha mẹ mình.
Để tránh làm bố mẹ tổn thương, con đừng:
– Đổ lỗi cho sự “bất tài” của cha mẹ
Bạn có thể trách bố mẹ không có khả năng đem lại điều bạn muốn, nhưng đừng quên rằng họ đã trao cho bạn khả năng. Việc bạn đạt được điều bạn muốn hay không, một phần lớn phụ thuộc vào năng lực của chính mình.
– Phàn nàn về những phàn nàn của cha mẹ
Lời phàn nàn có thể khiến bạn bực dọc, nhưng họ làm vậy vì thực lòng yêu thương và mong muốn bạn tốt đẹp hơn.
– Cau có về sự chậm trễ của cha mẹ
Khi còn nhỏ, chúng ta dựa vào cha mẹ để bước đi. Giờ bố mẹ đã già, phải dựa vào con cái để di chuyển. Mỗi khi họ chậm chạp, lề mề, hãy nhớ về thủa ban sơ của mình, bạn cũng không khác gì như vậy.
– Ghét bỏ khi bố mẹ ốm
Sinh lão bệnh tử, con người không ai thoát khỏi quy luật tự nhiên ấy. Khi cha mẹ còn trẻ, họ chăm sóc bạn từng tí, bên bạn khi bạn ốm đau. Lúc họ về già, đây là lúc quay lại vòng tuần hoàn ấy.
Đây chính là những điều mà con người rất sợ mất khi đến tuổi 60. Hãy đọc và suy ngẫm nhé!
Không có khoản tiết kiệm để nghỉ hưu
Hầu hết mọi người đều chuẩn bị cho quá trình nghỉ hưu của mình khi ở tuổi 60. Từ bỏ công việc và gánh nặng tiền bạc, chúng ta sẽ bước vào giai đoạn tĩnh lặng của cuộc sống nhưng cũng có phần cô đơn.
Vào thời điểm đó, nếu trong tay chúng ta không có một khoản tiền tiết kiệm nhất định, vậy thì chúng ta sẽ không thể ngừng đau đầu suy nghĩ, chi li tính toán trong mọi chi phí ăn mặc, sinh hoạt thường ngày và cả các dịch vụ y tế, sức khỏe khác.
Có thể nhiều người nghĩ rằng mình có thể sống phụ thuộc vào số tiền mà con cái chu cấp cho cha mẹ nhưng bao giờ cũng thế, sử dụng và tiêu xài những gì tự mình làm ra vẫn đem lại cảm giác thoải mái hơn.
Mất sức khỏe
Thời gian càng trôi qua, chúng ta không chỉ sợ việc già đi, mà còn sợ một điều hơn thế đó chính là bệnh tật.
Còn điều gì khủng khiếp hơn việc mỗi ngày đều bị bệnh lớn bệnh nhỏ quấn thân, mệt mỏi với thuốc thang và bệnh viện. Dù thức ăn có ngon cũng chẳng thấy thèm, dù cuộc sống còn tồn tại cũng chẳng thấy vui.
Đánh mất sức khỏe cũng đồng nghĩa với đánh mất cơ hội để tiếp tục hưởng thụ những niềm vui thú của đời người mà thay vào đó là một trái tim và cả cơ thể rã rời, u ám.
Mất người cạnh bên
Khi bản thân ta già đi, những người quen, bè bạn, người cạnh bên đều cùng già đi theo năm tháng, đặc biệt là bạn đời của mình.
Đó là người đã cùng ta gồng gánh gia đình suốt một thời gian dài, chia sẻ bao trách nhiệm và nhọc nhằn gian khó, cũng là người cùng vui cùng buồn, săn sóc chăm lo, nắm tay đi nốt những ngày tháng còn lại của cuộc đời.
Mất đi người bạn đời cạnh bên là một chuyện đáng sợ.
Một vài lời khuyên nếu bạn đang ở tuổi 60
Tuy trong rừng có nhiều cây đại thọ cả ngàn năm, nhưng người sống thọ đến 100 tuổi không nhiều. Số người sống đến 100 tuổi chỉ chiếm tỉ lệ là 1 trên 100.000 người.Nếu bạn sống đến 70 tuổi, bạn sẽ còn 30 năm.
Nếu bạn thọ 80 tuổi, bạn chỉ còn 20 năm. Vì lẽ, bạn không còn bao nhiêu năm để sống và bạn không thể mang theo các đồ vật bạn có, bạn đừng có tiết kiệm quá mức.
Bạn nên tiêu những món cần tiêu, thưởng thức những gì nên thưởng thức, tặng cho thiên hạ những gì bạn có thể cho, nhưng đừng để lại tất cả cho con cháu. Bạn chẳng hề muốn chúng trở nên những kẻ ăn bám.
Đừng lo lắng về những gì sẽ xảy ra sau khi bạn ra đi, vì khi bạn đã trở về với cát bụi, bạn sẽ chẳng bị ảnh hưởng bởi lời khen hay tiếng chê bai gì nữa đâu.
Đừng lo lắng nhiều quá về con cái, vì con cái có số phận của chúng và chúng sẽ tự tìm cách sống. Đừng trở thành kẻ nô lệ của chúng.
Đừng mong chờ nhiều ở con cái. Chúng tất nhiên biết lo cho cha mẹ, dù có lòng nhưng vẫn quá bận rộn vì công ăn việc làm ăn và nhiều ràng buộc khác nên không thể giúp bạn được đầy đủ.
Đừng so sánh với người khác về danh vọng và địa vị trong xã hội và con ai thành đạt hơn con mình. Nhưng bạn có thể so sánh về hạnh phúc, sức khỏe và tuổi thọ… Đừng lo nghĩ về những chuyện mà bạn không thể làm thay đổi, vì chẳng có ích gì, mà lại còn tổn hại cho sức khỏe bạn…
Ngày hôm qua, cháu gái bắt đầu gọi ông nội là “ông già lẩm cẩm”. Bởi vì ông rõ là đang cầm chìa khoá ở trên tay mà cứ cuống cuồng lên đi tìm, mất nguyên cả buổi chiều không làm được gì.
Dạo này ông lạ lắm, rõ ràng người đứng trước mặt là người vẫn gặp hàng ngày, còn là hàng xóm mấy chục năm rồi, mà sao tự nhiên ông quên hẳn tên của họ. Nghĩ mãi vẫn không nhớ ra…
Ở trên nhà xuống bếp định lấy cái gì, mà sau lại quên bẵng đi, không biết xuống bếp để làm gì. Đứng một hồi cũng không nghĩ ra, lò dò đi lên phòng mới nhớ được: “À, thì ra định xuống bếp lấy cái cốc để uống nước!”
Nhiều người bắt đầu phàn nàn là ông toàn nói chuyện đâu đâu, nói một sự kiện là tới 3, 4 lần. Nói rồi mà tưởng chưa nói nên cứ lặp đi lặp lại, khiến cho người nghe phát chán. Nhiều lần các cháu phải ngắt lời: “Hiểu rồi ông ạ, ông đừng lặp lại nhiều lần nữa…”
Ngày xưa ông nói gì cũng ngắn gọn, đâu ra đó. Còn bây giờ, vòng vo Tam quốc mãi mà chưa vào đề, khiến con cái sinh ra bực mình:
– Ba muốn nói gì thì nói thẳng ra đi. Ba nói vòng vo hoài, con chẳng hiểu gì cả!
– Tao là ba mày. Tao nói tiếng Việt chứ tiếng gì đâu mà mày không hiểu hả?
Thế là ba con cãi lộn với nhau, vì những chuyện chẳng đâu.
Già hay quên đã đành, nhưng những cái cần quên thì chẳng quên mà lại nhớ dai vô chừng. Nhiều lúc ngồi ngẫm lại, những chuyện ngày xưa, bạn bè mất lòng nhau, chuyện giận hờn thù ghét của quá khứ… tự nhiên ở đâu ập về, làm tâm chẳng được an.
Già cũng dễ bị tủi thân và sợ bị cô đơn vô cùng. Lúc trước ông còn trẻ, khi ấy khỏe mạnh, cái gì cũng tự làm được. Nay tuổi già sức yếu, làm không được nữa nên đành phải nhờ con cháu. Mà nhờ vả thì nhiều lúc chúng nó không chịu làm, nếu có làm thì cũng là miễn cưỡng, nhiều khi còn kêu ca phàn nàn. Ngày xưa ông chở con đi học bao nhiêu năm trời chẳng sao. Nay không đi xe được nữa, nhờ con cháu chở đi nhà thờ, đi chùa … thì chúng nó nói ở nhà tu tâm là đủ rồi, việc gì phải đến nhà thờ hay chùa chiền. Muốn đi ra ngoài dạo phố thì chúng nó bảo ngoài phố có gì hấp dẫn đâu, ở nhà nghỉ ngơi đi làm gì cho mệt…
Thế là ông tủi thân. Ông bỗng nhớ đến câu chuyện như thế này:
Một người cha già trí nhớ đã không còn minh mẫn ngồi hóng gió cùng con trai trước hiên nhà. Nghe thấy tiếng động trong lùm cây, ông hỏi con trai:
– Cái gì vậy con?
Người con trai trả lời:
– Một con quạ ạ.
Vài phút trôi qua, người cha lại hỏi con trai:
– Cái gì vậy nhỉ?
Người con trả lời:
– Cha, con đã nói với cha rồi. Đó là một con quạ.
Một lúc nữa lại trôi đi, người cha già tiếp tục:
– Cái gì thế con nhỉ?
Đến lúc này, người con trai không còn giữ được bình tĩnh, anh sẵng giọng:
– Đó là một con quạ, một con quạ! Tại sao cha cứ hỏi đi hỏi lại con cùng một câu hỏi thế? Con đã nói rồi mà, đó chỉ là một con quạ!”
Thoáng chút ngần ngừ, người cha đi vào phòng mình, mang ra một cuốn nhật kí đã cũ nát. Cuốn sổ ông giữ gìn kể từ khi người con trai ra đời. Mở một trang, người cha đưa cho cậu con trai đọc. Khi người con trai đón lấy, anh ta thấy những dòng chữ được viết trong nhật kí như sau: “Hôm nay, đứa con trai bé bỏng 3 tuổi ngồi cùng tôi trên ghế sô-pha. Khi một con quạ đậu trên cửa sổ, con trai đã hỏi tôi 23 lần rằng đó là cái gì, và tôi cũng đã trả lời 23 lần rằng đó là một con quạ. Tôi nựng con mỗi lần nó hỏi tôi cùng một câu hỏi, lặp đi lặp lại 23 lần. Tôi không hề cảm thấy khó chịu, mà trái lại, càng yêu thương đứa con ngây thơ bé bỏng này hơn…”
Nghĩ đến đây, sống mũi ông hơi cay cay. Ông đã từng trải qua biết bao biến cố còn khó khăn, kinh khủng hơn cái cảnh tuổi già buồn tủi và cô đơn này. Có nhiều chuyện còn khiếp đảm hơn nhiều so với sự cô độc, mà ông đã vượt qua được tất cả. Vậy thì chút trở ngại lúc cuối đời này có đáng gì đâu. Ông sẽ yêu thương con cháu nhiều hơn, làm chỗ dựa tinh thần và gắng không làm phiền đến chúng. Chúng cũng có gia đình, cũng đang vật lộn mưu sinh sống…
Ông bỗng nhớ đến một câu cho tuổi già:
“Hãy để tuổi của bạn ngày một già đi, nhưng đừng để điều đó xảy ra với trái tim của bạn” – Haley.
Hệ tiêu hóa người cao tuổi không còn “sung sức” như thời trẻ, độ co bóp yếu, nên khó đẩy chất thải ra ngoài. Chất thải càng ở lâu trong ruột già, càng tạo điều kiện cho vi sinh vật “bành trướng”, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì thế, việc xây dựng một thực đơn cho người già là điều vô cùng cần thiết.
Dưới đây, Tri thức sức khỏe xin chia sẻ danh sách “vàng” những thực phẩm cần bổ sung cho vào thực đơn của người già, giúp tăng cường sức khỏe và giúp tiêu hóa tốt hơn.
1. Các loại rau củ
Rau xanh và hoa quả là những loại thực phẩm không thể thiếu trong thực đơn cho người già. Hàm lượng chất xơ cao trong các loại rau xanh giúp hệ tiêu hóa hoạt động dễ dàng hơn. Ngoài ra, các loại vitamin, khoáng chất và các axit hữu cơ có tác dụng kích thích sự thèm ăn và duy trì sự cân bằng các chuyển hóa trong cơ thể. Các loại rau tốt cho sức khỏe người già có thể kể đến như:
Mướp đắng ( khổ qua) là một loại thực phẩm có tính mát, giúp hỗ trợ điều trị bệnh cao huyết áp và mẩn ngứa ngoài da rất hiệu quả.
Rau má, rau ngót: người có thân nhiệt nóng, lượng đường trong máu cao ăn các loại rau này rất tốt.
Rau dền đỏ chứa hàm lượng vitamin A rất cao giúp điều trị các bệnh về thị lực.
Cà rốt có chứa vitamin A và C rất cao giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Bí đỏ là thực phẩm tốt để chữa bệnh đau nửa đầu.
Súp lơ, bắp cải có công dụng chống ung thư bàng quang rất tốt nếu dùng thường xuyên.
2. Ăn thêm đậu, lạc, vừng và cá
Ở người có tuổi, tiêu hóa hấp thụ chất đạm kém nên dễ xảy ra tình trạng thiếu đạm. Trong đậu, lạc, vừng và cá có nhiều đạm, nhiều dầu giúp đề phòng các bệnh về tim mạch. Vì thế, người nhiều tuổi nên ăn nhiều món từ đậu tương như: đậu phụ, sữa đậu nành…
Ở mỗi gia đình nên có một lọ vừng, lạc để có một món ăn chế biến sẵn bổ sung cho bữa ăn hàng ngày. Mỗi tuần ăn 2-3 bữa cá. Nên ăn cá nhỏ, kho nhừ để ăn được cả xương, có thêm can xi đề phòng bệnh xốp xương ở người cao tuổi. Đậu, lạc, vừng, cá vừa có tác dụng phòng chống các bệnh tim mạch và nhất là đậu phụ có tác dụng phòng chống ung thư.
3. Đậu phụ
Đậu phụ chứa nhiều thành phần dinh dưỡng trong đó chủ yếu là protein, có khả năng làm giảm lượng cholesterol trong máu, phòng bệnh loãng xương, chống lão hóa. Đậu phụ có thể dùng để chế biến rất nhiều món ăn ngon trong thực đơn cho người già, để hấp thụ tốt nhất các chất dinh dưỡng của đậu phụ tốt nhất cần biết cách kết hợp với các thực phẩm khác để tạo ra những món ăn tốt cho sức khỏe, khi chế biến món ăn cho người cao tuổi thì nên dùng đậu phụ tươi hấp cách thủy để tránh mất chất và dùng khi còn nóng.
4. Sữa
Thành phần dinh dưỡng trong sữa luôn dồi dào sẽ có tác dụng cực kỳ tốt trong quá trình chăm sóc sức khỏe cho người già. Đối với những người lớn tuổi, sức khỏe thường hay suy yếu dần nên cơ thể họ dễ chịu sự tác động của các tác nhân gây hại. Chính vì vậy, chúng ta nên thêm vào thực đơn cho người già những cốc sữa ấm hàng ngày.
5. Hải sản
Canxi, protein, vitamin D,… có trong các loại hải sản như tôm, cua, ốc, hến,… sẽ bảo vệ người già khỏi các bệnh loãng xương, đau nhức xương, đau lưng, đau các khớp xương, rạn, nứt hay gãy xương. Ngoài ra, hải sản còn có khả năng làm thay đổi sự chuyển hóa của xương, giảm tốc độ mất xương và làm tăng khoáng chất cho xương. Tuy nhiên, cần chú ý sử dụng hải sản chế biến thức ăn cho người cao tuổi với mức độ phù hợp.
6. Cháo
Ở người già, nếu dùng các thức ăn rắn, dai, những món khó tiêu, sẽ rất trở ngại cho việc hấp thụ. Dạ dày người già co lại, chứa được ít. Ở người già cũng hay gặp tình trạng táo bón, nên cần dùng các món ăn lỏng như cháo, súp… cho vào thực đơn cho người già vừa có thể bổ sung nước cho cơ thể, vừa có thể dưỡng vị.
7. Yến
Yến sào hay còn gọi là tổ chim yến là một trong những món ăn bổ dưỡng rất tốt cho người cao tuổi. Trong yến sào có nhiều thành phần dinh dưỡng tốt cho sức khỏe và các khoáng chất cần thiết cho cơ thể như magie, photpho, sắt,… giúp bồi bổ sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch, đẩy nhanh quá trình tái tạo các tế bào trong cơ thể, giúp người ốm, người bệnh mau phục hồi sức khỏe. Yến sào là một trong những thực phẩm bổ dưỡng rất tốt cho người cao tuổi bởi nó không chỉ cải thiện sức khỏe mà còn tăng cường trí nhớ và bổ sung các dưỡng chất cho người sử dụng.
Trên đây là gợi ý về thực đơn dinh dưỡng cho sức khoẻ người già, Tri thức sức khỏe hi vọng có thể giúp bạn chế biến ra các món ăn ngon bổ mỗi ngày cho ông bà, cha mẹ mình. Bên cạnh chế độ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, đủ calo, có tỷ lệ cân đối giữa các chất, kết hợp việc tăng cường tập luyện thể dục thể thao với các bài tập rèn sức có cường độ hợp lý và một cuộc sống tinh thần thoải mái sẽ đảm bảo người già có thể sống vui khỏe mỗi ngày và kéo dài tuổi thọ.
Chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh và hạnh phúc!
Người cao tuổi thường có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường, máu nhiễm mỡ, suy nhược cơ thể… Vì vậy, để nâng cao sức khỏe của người cao tuổi, Tri thức sức khỏe xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo một số món ăn bổ dưỡng sau:
Bánh nhân gà thập cẩm
Cách chế biến món này rất đơn giản. Bạn chỉ cần nguyên liệu là: thịt gà sống 150g, bột mì 200g, hành củ 15g, bột tiêu, gừng, các gia vị khác liều lượng thích hợp. Thịt gà cùng với hành tiêu, gừng và các gia vị khác được băm trộn sẵn để làm nhân bánh. Bột mì thêm nước nhào trộn cán thành vỏ bánh. Sau đó, bạn đem luộc hoặc hấp chín.
Bánh nhân gà thập cẩm rất tốt cho người cao tuổi tỳ vị hư nhược, gầy yếu, da khô
Có thể chọn món ăn này trong bữa ăn chính, ăn ngày 1 lần. Một đợt 5 – 10 ngày. Bánh nhân gà thập cẩm rất tốt cho người cao tuổi tỳ vị hư nhược, gầy yếu, da khô.
Cháo nhân sâm
Cháo nhân sâm là loại thức ăn rất bổ dưỡng, thích hợp với người già yếu, có các chứng suy yếu khí huyết và tân dịch như ngũ tạng suy nhược, mỏi mệt hư tổn, ăn uống không ngon miệng, tâm hoảng, thở dốc, mất ngủ, hay quên, hoạt động sinh dục suy yếu.
Cháo nhân sâm là món ăn thích hợp cho người cao tuổi ăn kém, nhịp tim nhanh, mất ngủ hay quên
Cách chế biến món ăn này như sau:
Vo sạch gạo, trộn với bột nhân sâm, cho vào nồi đất hoặc nồi nhôm, cho thêm đủ nước.
Đun to lửa cho sôi, chuyển sang nhỏ lửa sắc cho tới lúc cháo chín.
Cho đường phèn và nước vào một nồi khác, nấu thành nước đường đặc, rồi đổ từ từ vào cháo đã chín, khuấy đều thành cháo đường.
Trong khi nấu cháo phải tránh dùng các dụng cụ bằng sắt.
Món này nên ăn lúc đói, hai bữa sáng và tối trong mùa đông. Chú ý: Những người thể chất âm hư hỏa vượng hoặc người trung niên, người cao tuổi khỏe mạnh cường tráng không nên dùng, cũng không nên dùng trong mùa hè nóng nực. Khi ăn cháo nhân sâm, không được ăn củ cải và uống nước trà.
Cháo hoàng kỳ
Đây là món ăn thích hợp cho người cao tuổi đang bị suy nhược cơ thể hoặc mắc bệnh dài ngày, ăn uống kém.
Món ăn thích hợp cho người cao tuổi đang bị suy nhược cơ thể
Cách chế biến như sau: hoàng kỳ 30g, nhân sâm 4 – 8g (hoặc đảng sâm 10 – 15g), gạo tẻ 100 – 150g, đường trắng vừa đủ. Dược liệu thái lát hãm với nước, gạn lấy nước để sẵn. Gạo nấu cháo. Khi cháo chín cho nước hoàng kỳ, nhân sâm và đường trắng vào, đun nhỏ lửa đến sôi. Nên ăn cháo hoàng kỳ ngày 2 lần vào buổi sáng và tối.
Ruốc cá tiêu gừng
Món ruốc đơn giản mà bổ dưỡng cho người cao tuổi
Ruốc là một trong món ăn được nhiều người cao tuổi lựa chọn. Dưới đây Tapchiamthuc xin giới thiệu cách chế biến món ruốc đơn giản mà không kém phần hấp dẫn từ cá quả: cá quả khoảng 1kg, làm sạch vẩy, bỏ ruột và đầu đuôi, cắt khúc, cho mắm muối, bột tiêu, gừng đập giập, thêm ít nước, kho cho chín. Tiếp theo, bạn gỡ bỏ xương, giã thành ruốc, thêm muối tiêu và chút bột gừng liều lượng thích hợp, cho vào chảo rồi đảo đều tay đến khi sợi ruốc khô lại. Cuối cùng, bạn để ruốc thật nguội rồi cho vào lọ sạch đậy kín. Ăn trong các bữa ăn, từng đợt 5 – 7 ngày.
Canh sườn ninh hạt sen
Bát canh từ sườn thăn ninh cùng hạt sen tươi thơm nồng hương vị quê hương, óng ánh quyến rũ không chỉ bổ sung nhiều dưỡng chất cho cơ thể mà còn là “liều thuốc tiên” cho những ai mắc chứng mất ngủ.
Hạt sen tươi bóc tách vỏ, bỏ tâm sen
Chỉ cần khoảng 150g hạt sen tươi, 200g khoai tây, 500g sườn thăn và chút ít gia vị là bạn có thể chế biến được món ăn ngon này. Cách làm như sau:
Sườn thăn nên chặt miếng dài 5cm, đun sôi với ít nước khoảng 3 phút sau đó chắt bỏ nước đi và cho nước mới vừa đủ dùng vào hầm nhừ.
Sườn thăn nên chặt miếng dài khoảng 5cm
Hạt sen tươi bóc tách vỏ, bỏ tâm sen.
Chần hạt sen tươi qua nước sôi chừng 1 phút.
Khoai tây cũng cắt miềng dài bằng sườn. Sau khi cắt nên ngâm qua nước ấm hoặc nước muối loãng để tránh bị thâm.
Đợi khi nồi sườn sôi chừng 15 phút thì cho hạt sen vào ninh cùng cho nhừ. Tiếp đến là khoai tây.
Nêm nếm gia vị cho vừa miệng
Để món canh thêm hấp dẫn, bạn có thể cắt ít hành lá nhỏ cho lên trên.
Món ăn nhiều dinh dưỡng cho người cao tuổi
Canh gà tần
Tiết trời chuyển mùa dễ gây ra những bệnh như cảm cúm, sốt, viêm họng cho người cao tuổi. Gà tần là một món ăn tốt giúp người cao tuổi bồi bổ sức khỏe.
Món gà tần ăn thơm ngon, rau quyện với nước gà và dầu ăn không hề đắng mà lại có vị béo, mềm không nhũn
Cách chế biến món này như sau: Nguyên liệu:
2 chiếc đùi gà.
4-6 mớ ngải cứu.
1-2 gói gia vị thuốc bắc hầm gà.
Nghệ tươi.
Dầu ăn, hạt nêm.
Cách làm Gà mua về làm sạch, chặt miếng to. Nghệ bỏ vỏ, đập dập. Cho các miếng gà vào nồi ướp cùng gói gia vị thuốc bắc, nghệ và 2 thìa hạt nêm trong khoảng 1 tiếng. Sau đó, bạn gắp gà ra bát. Cho rau ngải cứu đã nhặt rửa sạch vào nồi vừa ướp gà, thêm chút hạt nêm, dầu ăn và đảo đều lên rồi gắp từng miếng gà vào xếp xen kẽ với rau ngải cứu, để thêm 30 phút nữa cho gia vị thấm đều.
Cuối cùng, bạn đổ khoảng 1-2 bát nước tùy theo lượng nước muốn nhiều hay ít rồi đặt nồi lên bếp to lửa đun đến khi sôi thì giảm xuống lửa vừa đun trong 5 phút rồi tắt bếp, để nguội và lặp lại quy trình đun thêm 2 lần. Như vậy là bạn đã chế biến xong món gà tần bổ dưỡng.
Chú ý: Trong quá trình đunn bạn không nên cho đũa vào đảo khiến rau bị nát, mất ngon. Món gà tần ăn thơm mềm, rau quyện với nước gà và dầu ăn không hề đắng mà lại có vị béo, mềm không nhũn.
Chuối rất có lợi cho người già, đặc biệt dành cho người bị bệnh huyết áp, tim mạch… nếu kiên trì ăn 1 quả chuối mỗi ngày sẽ đạt được hiệu quả phòng ngừa đột quỵ rất tốt, đồng thời còn giúp giảm táo bón.
Tại sao ăn chuối lại phòng ngừa đột quỵ?
Bởi vì trong chuối hàm chứa nguyên tố vi lượng kali, magie. Nhìn từ góc độ dinh dưỡng học, lượng magie thích hợp trong cơ thể rất có lợi cho việc bảo vệ chức năng của tim, nhưng nếu ăn quá lượng sẽ gây trở ngại cho chức năng truyền dẫn của tim.
Chuối giúp phòng ngừa đột quỵ
Bên cạnh đó, các nhà khoa học phát hiện, mỗi ngày ăn 3 quả chuối có thể giảm thấp nguy cơ đột quy, vì vậy buổi sáng, trưa, tối đều cần ăn 1 quả. Như vậy sẽ giúp dung nạp đầy đủ kali, làm giảm thấp nguy cơ xảy ra tụ máu não xuống 21%.
Mỗi quả chuối bình quân có 500mg kali, ăn nhiều không những giúp giảm huyết áp, còn có thể điều khiển cơ thể cân bằng. Mỗi ngày ăn đủ 3 quả chuối sẽ giúp cho nguy cơ tắc nghẽn mạch máu não thấp xuống hơn rất nhiều.
Kali đóng vai trò rất quan trọng trong cơ thể con người, nó có thể duy trì áp suất thẩm thấu bình thường ở bên trong và bên ngoài các tế bào cơ thể, tham gia vào sự trao đổi chất cũ mới của các mô tế bào trong cơ thể, tăng cường thần kinh cho cơ thể và độ hưng phấn của cơ bắp, đặc biệt phát huy vai trò rất quan trọng đối với việc đảm bảo cho cơ tim có chức năng co bóp bình thường trong cơ thể.
Suy dinh dưỡng ở người cao tuổi nếu không được phát hiện và ứng phó kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe, đặc biệt là giảm sức đề kháng cơ thể.
Suy dinh dưỡng hay thiếu chất dinh dưỡng ở người cao tuổi là tình trạng thường xuyên xảy ra, bởi những người cao tuổi thường hay gặp những vấn đề về ăn uống, đôi khi sự cô đơn cũng ảnh hưởng đến tâm lý dẫn đến các vấn đề liên quan về dinh dưỡng.
Với những người cao tuổi bị suy dinh dưỡng thường rất dễ dẫn tới những căn bệnh nguy hiểm khác như bệnh truyền nhiễm, bệnh mãn tính không lây gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe người bệnh. Chính vì thế việc nhận biết những dấu diệu thiếu dinh dưỡng ở người cao tuổi để sớm có biện pháp phòng tránh là vô cùng quan trọng.
Người cao tuổi bị suy dinh dưỡng có thể kéo theo nhiều bệnh lý liên quan.
Các bác sĩ Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, dấu hiệu của suy dinh dưỡng ở người cao tuổi có thể rất khó khăn để nhận biết, đặc biệt ở những trường hợp chưa có biểu hiện rõ rệt. Tuy nhiên, nếu phát hiện tình trạng ở giai đoạn sớm có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm về sau.
Một số dấu hiệu để phát hiện tình trạng thiếu dinh dưỡng ở người cao tuổi:
– Quan sát thói quen ăn uống của người cao tuổi: Trong các bữa ăn những người thân cần đặc biệt chú đến đến chế độ, cũng như việc sử dụng đồ ăn của người cao tuổi một cách thường xuyên. Trong trường hợp phát hiện ra những bất thường ở các bữa ăn thì cần phải đưa người cao tuổi đi thăm khám, hoặc có thể tâm sự chia sẻ nguyên nhân vì sao xảy ra tình trạng đó để có biện pháp xử lý kịp thời.
Nếu thấy người cao tuổi chán ăn, bỏ bữa cần phải tìm hiểu ngay nguyên nhân.
– Cần chú ý việc sụt cân bất thường: Với người già khi tuổi càng cao thì cân nặng về cơ bản sẽ giảm dần. Tuy nhiên, việc giảm cân này diễn ra một cách từ từ theo tuổi tác thì không có gì bất thường. Trong trường hợp, sụt cân xảy ra trong một thời gian ngắn thì cần phải lưu ý. Dấu hiệu giảm cân ngoài việc theo dõi cân nặng trực tiếp hàng tháng, thì có thể nhận biết qua việc mặc quần áo hàng ngày (quần áo rộng hơn) hoặc nét mặt hốc hác hơn.
Nếu không được phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời thì tình trạng giảm cân lâu dài sẽ khiến cho người cao tuổi thiếu hụt nhiều chất dinh dưỡng, suy giảm sức đề kháng và dễ gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
– Chú ý đến dấu hiệu của bệnh tật: Tình trang thiếu dinh dưỡng ở người cao tuổi thường hay liên quan đến vấn đề vấn đề bệnh lý có thể là cấp tính hoặc mãn tính. Bởi vậy, khi thấy có các biểu hiện như chán ăn, đâu đầu, chóng mặt, các vấn đề về tiêu hóa … thì cần đến bệnh viện thăm khám để có hướng xử lý kịp thời.
Một số bệnh lý khiến người cao tuổi thường bị suy dinh dưỡng rất nhanh đó là tiểu đường, tuyến giáp, các bệnh ung thư nói chúng, nhất là ung thư đường điều hóa.
Người thân cần phải quan tâm đến tâm sinh lý của người cao tuổi trong sinh hoạt hàng ngày.
– Thay đổi tính khí thất thường trong cuộc sống: Đa số người cao tuổi dù ở nông thôn hay thành thị thường có một điểm chung đó là sự cô đơn trong cuộc sống. Chính điều này ảnh hưởng đến chất lượng sống, trong đó có chất lượng bữa ăn dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng.
Đối với những người mới nghỉ hưu, khi về gia đình có thể chưa quen với môi trường mới nên gây ra chán nản, buồn phiền…Còn đối với nhiều người khác, việc con cái phải đi làm kiếm tiền, ít thời gian quan tâm, thậm chí không được chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ cũng là vấn đề rất lớn ảnh hưởng đến sức khỏe.
Thông thường, khi thấy người cao tuổi có biểu hiện hay cáu bản, khó tính, hay giận dỗi …thì người thân xung quan nên có những thay đổi trong cuộc sống cho phù hợp để giúp người cao tuổi cân bằng về tâm, sinh lý.
Phòng tình trạng suy dinh dưỡng ở người cao tuổi
Các bác sĩ Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, để phòng được tình trạng suy dinh dưỡng ở người cao tuổi thì trước hết phải biết được nguyên nhân. Theo đó, nếu suy dinh dưỡng xuất phát từ việc người cao tuổi mắc hoặc có nguy cơ mắc các bệnh cấp tính hoặc mãn tính thì phải đến bệnh viện để có sự can thiệp của bác sĩ chuyên môn, từ đó sẽ có tư vấn hướng dẫn cụ thể tùy theo tình trạng bệnh mắc phải.
Khi có vấn đề về bệnh lý cần đến ngay bệnh viện để được bác sĩ thăm khám kịp thời.
Còn trong trường hợp người cao tuổi suy dinh dưỡng do vấn đề tâm sinh lý, thì đầu tiên người thân cần phải chăm lo chu đáo cả về vật chất lẫn tinh thần cho người cao tuổi. Thay đổi chế độ và thức ăn ăn phù hợp với người cao tuổi.
Để người cao tuổi có được sức khỏe ổn định nên bổ sung cá nhiều hơn thịt trong chế độ ăn. Hạn chế ăn mỡ động vật, nên sử dụng dầu thực vật. Ăn nhiều rau, củ, quả và các loại hạt để bổ sung chất sơ cho cơ thể. Bổ sung sữa và các chế phẩm sữa hàng ngày, đặc biệt là nên sử dụng các loại sữa chuyên dành cho người già để tăng cường sức đề kháng và các loại khoáng chất thiết yếu mà thực phẩm không có đủ.
Khuyến khích hoạt động thể dục thường xuyên, các hoạt động ngoài trời an toàn phù hợp với người cao tuổi, bởi việc làm này giúp kích thích sự thèm ăn và tăng cường sức khỏe xương và cơ.
Người cao tuổi cũng cần phải ăn uống khoa học, phù hợp tuổi tác để bảo vệ sức khỏe, nâng cao sức đề kháng chống chọi với bệnh tật.
Chế độ ăn với người cao tuổi là vô cùng cần thiết, bởi ăn uống cùng với chế độ sinh hoạt, tập luyện thể thao là “chiếc kiềng 3 chân” nhằm tăng cường sức đề kháng cho người cao tuổi. Tuy nhiên, hiện nay có không ít người trong khi chăm sóc người cao tuổi vẫn chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc ăn uống hàng ngày.
Điển hình như việc thói quen ăn nhiều chất đường bột, chế độ ăn cùng với gia đình, không uống sữa…Đó đều là những quan điểm sai lầm khi chăm sóc bữa ăn cho người cao tuổi. Dưới đây là một số lưu ý trong ăn uống hàng ngày dành cho người cao tuổi:
– Chia nhỏ bữa ăn hàng ngày: Khi tuổi càng cao thì hệ tiêu hóa càng bị lão hóa và khó khăn trong việc co bóp cũng như hấp thu thức ăn. Bởi vậy, việc người cao tuổi ăn theo chế độ ăn cùng với mọi người trong gia đình là không hợp lý.
Một chế độ ăn hợp lý cho người cao tuổi đó là phải chia nhỏ bữa ăn (4-5 bữa/ngày) có như vậy lượng thức ăn đưa vào dạ dày không quá nhiều sẽ thuận lợi hơn cho việc nghiền nát thức ăn, cũng như hấp thu sau đó.
Người cao tuổi cần uống sữa hàng ngày để bổ sung dinh dưỡng, nhất là các loại sữa chuyên dụng dành riêng cho người già.
– Uống đủ nước và sữa: Người cao tuổi thường thường uống ít nước do sợ đi tiểu nhiều, mất ngủ. Nước giúp cho tiêu hóa tốt hơn và đào thải các chất cặn bã của cơ thể. Uống từ 1.5-2 lít nước/ một ngày, cần chủ động uống nước không chờ khát mới uống.
Sữa cũng là loại thực phẩm rất tốt cho người cao tuổi, tuy nhiên nhiều gia đình lại đang có sự hiểu lầm khi cho rằng cho người cao tuổi uống sữa sẽ tăng cân, nguy cơ mắc các bệnh như béo phì, tiểu đường…Điều này là không đúng.
Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sữa dành cho người già là rất tốt và nên bổ sung hàng ngày, bởi trong chế độ ăn có nhiều chất không có trong thực phẩm, vì thế việc uống sữa dành cho người già giúp bổ sung các chất con thiếu vào cơ thể, nhằm tăng sức đề kháng chống chọi lại với bệnh tật.
Băm kỹ thức ăn sẽ khiến hệ tiêu hóa của người cao tuổi hoạt động dễ dàng hơn.
– Băm nhuyễn, thái nhỏ và nhai kỹ khi ăn: Với người cao tuổi việc ăn chậm, nhai kỹ là vô cùng quan trọng bởi nó sẽ làm giảm áp lực cho hệ tiêu hóa. Ngoài ra, khi chế biến đối với các loại thực phẩm như thịt cần băm nhuyễn, rau củ nên thái nhỏ khi nấu cần kỹ hơn bình thường thường. Việc làm này cũng làm giảm áp lực với hàm răng thường hay bị yếu của người già, cũng như hệ tiêu hóa.
Không ăn quá no, nhất là vào buổi tối, sau khi ăn xong nên ngồi hoặc đi lại nhẹ nhàng trong vòng 30 phút sẽ giúp dạ dày nhào trộn thức ăn và dễ tiêu.
Ăn nhiều muối sẽ gây tác hại với người cao tuổi, nhất là vấn đề huyết áp.
– Ăn giảm muối, chất béo và thịt: Trong chế độ ăn của người cao tuổi cần giảm lượng thịt, giảm các thực phẩm nhiều cholesterol như: nội tạng động vật, óc. Ngoài ra, cần bổ sung các loại thực phẩm có nhiều can xi, ăn các loại thực phẩm giàu protein từ thực phẩm như đậu đỗ, vừng lạc, đậu phụ…để tăng cường chất xơ.
Đối với các loại chất bé cũng cần phải hạn chế, bởi nếu sử dụng quá nhiều gây nên các vấn đề về sức khỏe, nhất là những người có vấn đề tim mạch, mỡ máu. Thay vào đó nên dùng dầu thực vật tốt với người có tăng huyết áp, không có cholesterol và ít acid béo bão hòa. Các loại thực phẩm có hàm lượng muối cao như dưa cà muối cũng nên hạn chế trong bữa ăn hàng ngày vì làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp.
Chế độ ăn nhiều rau xanh và hoa quả là rất tốt cho người cao tuổi.
– Ăn nhiều rau xanh, hoa quả: Rau xanh và hoa quả luôn được khuyến cáo sử dụng không chỉ với người cao tuổi mà cả với những người trẻ tuổi. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, rau xanh và hoa quả có nhiều chất xơ, kích thích nhu cầu đường ruột, tránh táo bón.
Rau tươi, quả chín còn cung cấp các chất dinh dưỡng hết sức quan trọng đối với người cao tuổi là các vitamin và chất khoáng. Người cao tuổi thường bị loãng xương và thiếu các vitamin, khoáng chất. Cần ăn các loại rau xanh hoa quả giàu vitamin và khoáng chất, mỗi ngày nên ăn 300g rau xanh và 100g hoa quả.
Các cụ cao tuổi cứ nghĩ mình là người “quá đát”, “vô dụng” nên sống đến đâu biết đến đó, để mặc những thói quen và sự lười biếng phát triển. Thật sai lầm.
Chẳng bao giờ quá muộn
Càng già người ta càng bên quyết tâm từ bỏ những thói quen xấu để sống vui vẻ, khỏe mạnh, minh mẫn trong những ngày cuối đời.
Trung tâm phòng chống bệnh cho biết một số hành vi có thể tránh được như hút thuốc lá, không cương quyết ăn kiêng và lười tập thể dục.
Trong một nghiên cứu kéo dài 5 năm, các nhà nghiên cứu đã đo tốc độ đi bộ của 2.000 người gồm người đang hút thuốc, đã hút thuốc nhưng đã bỏ và người chưa bao giờ hút. Những người đang hút đi chậm hơn người đã hút nhưng bỏ. Kết quả ấy cho thấy rằng ngay cả những người đã lớn tuổi, mà thay đổi thói quen như bỏ thuốc chẳng hạn cung có tác động rất tốt tới sức khoẻ những năm tháng cuối cùng của cuộc đời.
Lười tập thể dục
Hoạt động thể lực một cách tích cực rất lợi cho tim, trí óc và xương. Đối với người lớn tuổi, cảm thấy mình yếu đi cho nên ngại vận động mạnh, như tập thể dục, chạy hoặc đi bộ. Những sự ngại ngùng ấy khiến họ ngày càng trở nên lười biếng và lười là một thói quen khó bỏ.Thực ra, các hoạt động thể lực có mức độ, phù hợp với sức của mình là rất có lợi. Dậy sớm để tập luyện ngày càng trở nên khó khăn hơn theo tuổi tác và đòi hỏi phải có quyết tâm vì người cao tuổi thường hay có tâm lý buông xuôi, được đến đâu hay đến đấy.
Thực ra không thiếu những chương trình được soạn dành cho người già như tập yoga, thái cực quyền rất nhẹ nhàng giúp cho cơ thể được cân bằng, giảm béo do ít vận động. Ít nhất người cao tuổi nên duy trì việc đi bộ hàng ngày với những khoảng cách thích hợp. Những hoạt động ấy không chỉ liên quan đến thể lực mà còn duy trì được sự minh mẫn của trí tuệ, tránh được lú lẫn.
Cẩu thả với thuốc men
Đa số các “trưởng lão” thường “mê” dùng nhiều thứ thuốc mà bác sĩ kê ra theo lời khai ít nhiều hoang tưởng hoặc có ít những nói quá lên của các cụ. Thuốc lĩnh về nhiều đến nối khó lòng nhớ được tên và cách sử dụng mà bác sĩ dặn mỗi ngày, trong khi trí nhớ ngày một suy giảm. Kết quả là đôi khi các cụ uống lẫn lộn, nhầm thứ nọ sang thứ kia.
Để uống đúng thuốc, trị đúng bệnh, trước hết cần bỏ thói quen “sính thuốc”. Đừng quá lo cho sức khỏe và “tưởng tượng” ra bệnh mình đang mắc. Quản lý thuốc một cách “khoa học”: Để tránh nhầm lẫn, nên làm những hộp riêng đựng thuộc uống hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, nhờ người thân nghi rõ cách dùng, lều lượng, thời gian uống vào giờ nào, thể hiện bằng màu sắc cho dễ nhớ càng tốt. Đặt thuốc ở nơi cố định.
Quên béng việc rèn luyện trí não
Khi người ta già, ai mà chẳng càng ngày càng chậm, cảm nhận được rõ ràng mình thua kém hồi còn trẻ về mọi mặt. Khi những hoạt động thể lực trở nên bị hạn chế do những trận ốm vặt thì đừng nghĩ rằng trí tuệ của mình cũng sa sút như thể lực. Song trí óc cung cần những cách “tập thể dục” của chúng, để duy trì được sự tỉnh táo, minh mẫn.
Chúng cần được sử dụng luôn, nếu không cũng như mảnh kim loại không dùng đến thì sẽ bị han rỉ. Do vậy, các cụ cần phải làm cho trí tuệ được vận động băng những cách giải trí như giải ô chữ, chơi cờ, tham gia các trò chơi tương tác, đi sinh hoạt tại các câu lạc bộ đọc sách, vắt óc để tìm ra những ý tứ, những vần điệu cho một câu thơ.
Hút thuốc, uống rượu
Đã đành hút thuốc và uống rượu thì ở lứa tuổi nào cũng độc hại, nhưng ở người lớn tuổi thì chúng đã trở thành nguyên nhân sinh bệnh. Các cụ hay dùng thuốc thì thuốc mà khi bị hòa trộn với rượu thì đâu còn là thuốc nữa. Chúng sẽ mất tác dụng, nếu không muốn nói là phản tác dụng. Nó có thể tạo ra những nguy cơ đối ới sức khỏe. Bệnh gì đã mai phục trong người thì thuốc và rượu làm nó xuất đầu lộ diện và hoành hành.
Bỏ thuốc và rượu càng có thể nói không bao giờ muộn.
Mặc kệ cân nặng
Thừa cân ở tuổi già là chuyện phiền phức. Nó dẫn đến tiểu đường, bệnh tim mạch và đột quỵ. Gần đây các thấy thuốc luôn bổ sung một triệu chứng mà sự thừa cân đem lại để nhắc nhở các cụ: nó làm giảm các ham muốn tình dục mà nhiều cụ nghĩ là nó đã bỏ các cụ để ra đi từ lâu.
Việc thay thế những cacbohydrat tốt (khoai lang, bánh mì đen, gạo lức) bằng cacbohydrat xấu (khoai tầy, bánh mì trắng, gạo xay sát kỹ), bổ sung chất đạm của thịt nạc, hạn chế các thực phẩm chứa nhiều mỡ và đường có thể giúp các bậc cao niên duy trì được một cơ thể gọn gàng mà tuổi tác không làm nó biến dạng.
Bây giờ bạn có cảm thấy khỏe mạnh như khi ở độ tuổi tuổi 40, 50 không?
Bạn vẫn có thể cảm thấy khỏe mạnh như vậy (hoặc có thể tốt hơn) bằng cách chọn những thói quen tốt cho sức khỏe. Việc bắt đầu làm một thứ gì mới dường như gây nhiều rắc rối hơn những giá trị mà nó đem lại. Tuy nhiên, ngay cả những thay đổi nhỏ cũng có thể cải thiện sức khỏe của bạn. Một thay đổi nhỏ bạn có thể làm là thêm các hoạt động vào cuộc sống hàng ngày. Một sự thay đổi khác nữa là ăn thêm nhiều chất xơ hoặc những thay đổi khác về chế độ ăn như áp dụng chế độ ăn Địa Trung Hải.
Nếu bạn không bao giờ hoạt động, hãy bắt đầu ngày từ bây giờ để tạo nên sự khác biệt
Hoạt động về mặt thể chất là rất tốt cho mọi lứa tuổi.Trong số những người lớn tuổi, ngã là nguyên nhân phổ biến gây nên chấn thương và khuyết tật. Hoạt động thể chất làm cho xương và cơ của bạn khỏe hơn. Khi cơ trở nên rắn chắc, bạn sẽ ít có nguy cơ bị ngã hơn. Nếu như bạn ngã thì xương khỏe cũng sẽ khó bị gãy hơn.
Hoạt động thể chất thường xuyên cũng rất tốt cho não. Nghiên cứu cho thấy, người thực hiện các bài tập đơn giản thường xuyên (như đi bộ nhanh) sẽ đưa ra được các quyết định sáng suốt hơn so với người không có hoạt động thể chất nào.
Bạn không luyện tập trong thời gian dài. Bạn sợ rằng bạn sẽ bị đau khi bắt đầu?
Từ tiểu đường cho tới bệnh lí tim mạch, nhiều bệnh mạn tính không lây đã được cải thiện bởi luyện tập thể lực ở mức vừa phải mỗi ngày. Đối với những người mắc các bệnh mạn tính, thiếu luyện tập là nguy cơ lớn hơn so với các nguy cơ từ chấn thương do luyện tập.
Hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn về kế hoạch trước khi bắt đầu. Cơ của bạn có thể bị đau khi bạn tăng hoạt động lần đầu tiên, nhưng bạn không nên coi đó là lí do để dừng lại. Cơn đau đó sẽ mất đi sau vài ngày khi bạn luyện tập đều đặn và chăm chỉ hơn.
Cách luyện tập tốt nhất cho bạn bây giờ
Với nhiều người, đi bộ là một trong những hoạt động dễ nhất. Chuyên gia khuyến nghị bạn nên luyện tập thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày trong tuần. Nhưng nếu bạn không có đủ 30 phút cho một lần luyện tập, hãy thử đi bộ 15 phút 2 lần mỗi ngày hoặc 10 phút 3 lần mỗi ngày.
Nhiều người bắt đầu luyện tập khi về già nói rằng luyện tập với một người bạn đồng hành là động lực để họ gắn bó với nó. Một số người gợi ý rằng nên bắt đầu hoặc tham gia nhóm đi bộ với bạn bè hoặc hàng xóm. Những người khác thì cho rằng bạn cũng có thể dẫn theo chó đi chạy bộ cùng.
Nếu bạn không cho rằng chạy bộ là ý tưởng hay, bạn có thể thử làm vườn hoặc đi nhảy. Đi câu cá hoặc đi bơi. Tập dưỡng sinh hoặc yoga là ví dụ cho các loại luyện khác rất đáng để đầu tư thời gian học và luyện tập. Như vậy, hoạt động có thể vừa thú vị vừa tốt cho bạn.
Luyện tập sức mạnh
Khi cơ của bạn khỏe mạnh thì hoạt động như rời khỏi chiếc ghế hoặc mở cửa trở nên dễ dàng hơn nhiều. Nếu bạn tập nâng tạ, hãy bắt đầu với tạ từ 0,5 đến 2 kg. Nếu như bạn không có tạ thì có thể dùng một lon súp, một quyển sách hoặc một chai nước đầy để thay thế. Để tạ của bạn ở cùng phòng có tivi để có thể làm một số động tác thể dục khi xem.
Cách khác để làm tăng cơ là sử dụng dây đàn hồi (còn được gọi là dây luyện tập). Dây đàn hồi có rất nhiều loại với các độ dài khác nhau. Chúng thường được sử dụng để tăng cơ vùng cánh tay trên và cơ chân.
Tại sao nên ăn nhiều chất xơ?
Chất xơ có thể cải thiện sức khỏe theo 3 cách:
Nó giúp ruột hoạt động tốt hơn và giúp phòng tránh táo bón.
Nó làm giảm nguy cơ bệnh lí tim mạnh, tiểu đường tuýp 2 và ung thư ruột.
Nó giúp giảm cholesteron trong máu.
Đàn ông trên 50 tuổi nên ăn 30 gam chất xơ mỗi ngày và phụ nữ trên 50 tuổi nên ăn 21 gam mỗi ngày.
Bạn không muốn thay đổi khẩu phần ăn. Làm cách nào bạn có thể bổ sung chất xơ khi không thay đổi chế độ ăn hoàn toàn?
Bạn không cần phải thay đổi hết chế độ ăn của bạn cùng một lúc. Hãy thay đổi từng thứ một.Ví dụ: nếu bạn ăn 2 lát bánh mì trắng vào bữa sáng, hãy thay một trong hai lát bằng bánh mì ngũ cốc nguyên hạt. Nếu bạn uống nước cam ép hàng ngày, hãy thử thay thế bằng cách ăn 1 quả cam vào 3 ngày trong tuần. Cố gắng ăn nhiều quả cam hơn là sử dụng nước cam ép. Nếu như bạn thích đồ ăn vặt, hãy thử bỏng ngô ít béo thay thế khoai tây chiên.
Nhiều người cảm thấy việc tập trung ăn một loại thức ăn giàu chất xơ (xem bên dưới) vào mỗi bữa ăn chính hoặc phụ là rất có ích.
Thực phẩm giàu chất xơ
Ngũ cốc nguyên cám
Ngũ cốc ăn sáng chưa qua chế biến
Lúa mì đen hoặc bột lúa mạch đen
Bánh mì nguyên hạt như lúa mì, bột lúa mạch đen
Hoa quả tươi như táo, quả mọng hoặc lê
Hoa quả khô như mận, mơ, sung
Rau củ như súp lơ, cà rốt và đậu xanh
Các cây họ đậu như hạt đậu gà, đậu navy,…..
Trái cây và rau củ quả là những món ăn thêm rất khỏe mạnh dành cho chế độ ăn của bạn. Không chỉ chứa nhiều chất xơ mà nó còn chứa lượng lớn các vitamin và chất khoáng.
Bạn thường khó khắn để gắn bó với một việc gì đó, thậm chí khi bạn biết điều đó là việc làm tốt.
Bạn đang năng động ở mức độ nào và thói quen ăn uống là gì? Việc tiếp nhận những thói quen lành mạnh có thể khó khăn lúc đầu. Bằng những khởi đầu nhỏ và việc tự thưởng cho bản thân sau mỗi hoạt động lành mạnh mà mình thực hiện được, bạn có thể tạo nên những khác biệt về sức khỏe. Nếu bạn nghĩ rằng mỗi ngày và mỗi bữa ăn của mình đều là một cơ hội để bạn làm được những việc có lợi cho bản thân thì việc hoạt động thể lực và ăn nhiều chất xơ sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Có những thay đổi nào khác về chế độ ăn có thể cải thiện sức khỏe của bạn?
Sự thay đổi chúng ta đều biết đến nhiều nhất đó là chế độ ăn Địa Trung Hải. Cách ăn uống tốt nhất là nên bổ sung nhiều chất béo có lợi (như trong dầu ô liu, hạt đậu và quả bơ), cá biển, ngũ cốc nguyên hạt và rau củ. Bạn cũng có thể dùng một lượng vừa phải rượu vang và các hoạt động lành mạnh là một phần không thể thiếu. Giảm lượng thịt đỏ, thực phẩm chứa nhiều đường trong chế độ ăn. Chế độ ăn Địa Trung Hải đã được chứng minh là giảm nguy cơ đau tim và tử vong do các nguyên nhân khác xuống hơn 50% ở những người 70-90 tuổi.