Cân bằng việc học và chơi thể thao cho trẻ

Nhồi nhét kiến thức, học ngày đêm có thể gây tác dụng ngược; trẻ cần vận động, chơi thể thao để có năng lượng tích cực, giúp ích việc học.

Giúp con bắt nhịp với thời gian biểu mới

Nếu trong kỳ nghỉ hè, trẻ (6-12 tuổi) chủ yếu vui chơi, giải trí thì vào năm học mới, trẻ dành phần lớn thời gian để học tập. Do chưa quen với sự thay đổi, trẻ có thể gặp trở ngại trong việc duy trì sự tập trung, khó tìm thấy cảm hứng, dễ bị mệt mỏi khi đến trường.

Nhiều phụ huynh băn khoăn làm cách nào để trẻ bắt nhịp tốt với lịch học ở trường. Số khác mong giúp con tìm thấy nguồn năng lượng tích cực để có tâm thế học tập.

Theo chuyên gia tâm lý Tô Nhi A, phụ huynh có thể hỗ trợ con bằng cách thiết lập thời gian phù hợp; thỏa thuận cùng con giờ tự học, tập luyện thể thao. Mẹ còn có thể trang trí thời gian biểu, dán ở nơi mà gia đình quan sát được. Cài đồng hồ báo thức ở các mốc quan trọng để con không quên hoạt động cần thiết và ba mẹ có thể hỗ trợ bé dễ dàng.

Cha mẹ không nên thay đổi nhịp sinh học của con đột ngột, ví dụ trong kỳ nghỉ hè con có thể ngủ đến 8h sáng nhưng khi đi học phải dậy từ 6h. Trẻ cần thời gian để thích nghi. Mẹ nên điều chỉnh dần trước đó một tháng hoặc vài tuần.

Nhiều năm đồng hành cùng con, MC Thanh Thảo có kinh nghiệm giúp bé Dâu (9 tuổi) sẵn sàng đến trường. Chị hạn chế thay đổi thời gian biểu khi vào năm học vì không muốn con phải làm quen lại từ đầu.

Trước ngày đi học một tuần, MC tập cho con dậy sớm hơn, lúc 6h30. Con đi học về thì sẽ tắm, nghỉ ngơi, ăn cơm, sau đó làm bài tập. Trước khi đi ngủ, chị cùng các con đánh cờ, tập yoga 30 phút hoặc mở nhạc nhảy để giải phóng năng lượng. Đây là hoạt động thường ngày của gia đình chị, dù trong mùa hè hay năm học. So với lúc nghỉ hè, con ngủ sớm hơn 30 phút.

Thanh Thảo cân bằng việc học và chơi của con khi vào năm học mới.

Thanh Thảo cân bằng việc học và chơi của con khi vào năm học mới.

Không ép con học quá nhiềuChuẩn bị tâm thế cho con cũng quan trọng. Nếu chưa sẵn sàng, bé dễ bị mất năng lượng. Phụ huynh có thể nhắc khéo rằng “Chúng ta đã kết thúc kỳ nghỉ hè và đi học lại rồi”. Chọn mua cho con dụng cụ học tập bắt mắt giúp con hứng thú với việc sử dụng chúng, từ đó thích học hơn. Ba mẹ có thể cùng bé xem trước sách giáo khoa nhưng không nên bắt con học trước. Trẻ vẫn có vài giờ vui chơi, tập luyện thể thao như lúc nghỉ hè để thư giãn.

Trẻ học tốt hơn khi tìm thấy niềm đam mê, có nguồn năng lượng tích cực. Không phải cứ cho con học nhiều giờ, học thêm nhiều môn thì sẽ giỏi. Nhồi nhét, bắt bé học có thế gây tác dụng ngược.

Trong cuộc trò chuyện giữa các gia đình, cha mẹ thường hỏi thăm thành tích học tập của con, ít khi đề cập đến thành quả hay sự rèn luyện ở khía cạnh khác. Đó là thực tế được chuyên gia tâm lý Tô Nhi A chỉ ra.

Bà Tô Nhi A giải thích, phụ huynh thường có tâm lý bắt con học quá nhiều. Điều này không sai nhưng đây chỉ là góc nhìn ở trục tọa độ tri thức, phụ huynh quên mất rằng sự phát triển của trẻ còn được đo theo các trục khác như kỹ năng, thể chất, phẩm chất… Trẻ như cây non đang lớn, để phát triển tốt không thể chỉ bón phân, tưới nước hoặc phơi nắng mà cần có sự hài hòa giữa các yếu tố đó. Con cái cũng thế, ba mẹ cần giúp con phát triển đa dạng, toàn diện ở các mặt.

Mỗi bé có thể mạnh riêng, có bé học giỏi các môn trí tuệ như toán, khoa học, một số thể hiện tốt ở mặt thể chất bóng rổ, bóng đá… Tùy vào điểm mạnh của con, độ tuổi, tính cách mà mẹ khuyến khích phù hợp.

Tập luyện thể thao giúp các em giải tỏa căng thẳng.

Tập luyện thể thao giúp các em giải tỏa căng thẳng.

Tạo nguồn năng lượng tích cựcCác môn học ở trường đóng vai trò nền tảng, chứ không quyết định sự thành công của trẻ. Gia đình chỉ nên nhắc nhở, động viên để con hoàn thành bài tập. Trẻ bắt đầu đi học cần được xây dựng kỹ năng tự giải quyết vấn đề, từ đó mới có thể vượt qua nhiều chướng ngại.

Thời gian vui chơi, thư giãn hợp lý sẽ tạo nguồn năng lượng tích cực cho trẻ. Các em có động lực, tinh thần thoải mái hỗ trợ rất nhiều cho việc học. Con cần tiếp xúc, học hỏi thêm từ môi trường xung quanh mới có thể phát triển toàn diện.

Sau những giờ học căng thẳng, mẹ có thể cho con chơi thể thao. Con có thể thêm niềm vui, giải tỏa áp lực học hành. Nếu có thời gian, phụ huynh cùng chơi để gắn bó với con, từ đó, dễ chia sẻ chuyện học, trường lớp, bạn bè.

Chuyên gia tâm lý Tô Nhi A chia sẻ thêm, năng vận động, tập thể thao giúp con có sức khỏe. Thể thao đóng vai trò kích thích tuần hoàn máu não, cho con tư duy và học tốt hơn. Tập thể thao cũng cải thiện thể lực, đem đến nguồn năng lượng tích cực, hạn chế mệt mỏi.

Mùa hè vừa qua là thời gian ý nghĩa với bé Nguyễn Thị Anh Thư (11 tuổi). Bé vừa trở về sau giải thi đấu Cúp Milo Vô địch Thế giới tại Barcelona (Tây Ban Nha) và bước vào cấp 2. Thư có nhiều bài vở hơn, chương trình học khó hơn nhưng mẹ Thư luôn động viên bé duy trì vận động.

Lên cấp học mới, Anh Thư được mẹ động viên duy trì hoạt động thể thao.

Lên cấp học mới, Anh Thư được mẹ động viên duy trì hoạt động thể thao

Vợ chồng MC Thanh Thảo cũng khuyến khích bé Dâu nuôi dưỡng niềm đam mê bóng rổ. Một tiếng tập bóng vào 2 ngày trong tuần giúp Dâu giải tỏa căng thẳng, kết nối bạn bè.Chị Thu Hương – mẹ Anh Thư cho biết, thể thao là môi trường tốt để bé duy trì thể lực, rèn giũa đức tính, kỹ năng, cho con bài học ngoài giáo án nhà trường. Chị đồng hành cùng con cân bằng giữa học và chơi, tập luyện thể thao.