Bệnh lậu là một loại bệnh nhiễm khuẩn, lây nhiễm qua đường tình dục, chủ yếu do vi khuẩn lậu có tên là Neisseria gonorrhoeae – một song cầu Gram (-) gây ra. Tình trạng nhiễm khuẩn có thể xảy ra ở niệu đạo, hậu môn, cổ tử cung, cổ họng và mắt. Trường hợp nguy hiểm hơn, vi khuẩn lậu có thể xâm nhập vào máu, lúc này người bệnh có triệu chứng sốt, tổn thương da, đau khớp.
1. Bệnh lậu lây truyền như thế nào?
Bệnh lậu thường lây nhiễm trực tiếp khi quan hệ tình dục qua con đường không an toàn như âm đạo, hậu môn hay bằng miệng với đối tượng mắc bệnh lậu. Trong trường hợp không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh lậu có thể chuyển biến thành bệnh lậu mãn tính, dẫn tới những biến chứng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người bệnh, đặc biệt là trong vấn đề sinh sản.
2. Vi khuẩn lậu Neisseria gonorrhoeae – Tác nhân gây bệnh lậu
Vi khuẩn lậuNeisseria gonorrhoeae là một song cầu Gram (-), được nhà khoa học Neisser phát hiện năm 1879 là vi khuẩn gây bệnh lậu. Qua nhiều nghiên cứu đã chỉ ra đặc điểm nhận biết của loại vi khuẩn này:
Vi khuẩn lậu có hình dạng hạt cà phê, phát triển thành từng cặp
Vi khuẩn lậu có chiều dài khoảng 1,6mm; chiều rộng khoảng 0,8mm; khoảng cách giữa 2 vi khuẩn trong cùng 1 cặp là 0,1mm.
Vi khuẩn lậu không di động, không tạo nha bào, thường tồn tại trong bào tương của bạch cầu đa nhân trung tính.
Vi khuẩn lậu khó có thể sống sót khi ra môi trường bên ngoài, dễ dàng bị tiêu diệt bởi nhiệt độ môi trường, tính khô của môi trường hay khi sử dụng thuốc sát khuẩn.
Vi khuẩn lậu chỉ có khả năng tồn tại một vài giờ sau khi ra khỏi cơ thể.
Trong trường hợp mắc bệnh lậu cấp tính, có thể thấy hình ảnh rõ nét qua xét nghiệm. Tuy nhiên đối với bệnh lậu mãn tính, cần tiến hành nuôi cấy để có phương án điều trị phù hợp. Do đặc tính vi khuẩn lậu không chịu được khô, nên sau khi lấy mẫu bệnh phẩm cần đưa ngay vào môi trường nuôi cấy phù hợp. Môi trường nuôi cấy hiện đang được sử dụng nhiều nhất là Thayer – Martin với áp suất CO2 là 5%, nhiệt độ môi trường dao động từ 35-37oC, độ pH từ 7,2-7,6.
Trong môi trường nuôi cấy, kích thước vi khuẩn lậu có thể biến đổi đa dạng và sắp xếp không điển hình, tùy thuộc vào điều kiện của từng môi trường.Vi khuẩn lậu, so với các song cầu Gram (-) khác, đặc biệt nhạy cảm với thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu, trong vòng vài thập kỷ qua, vi khuẩn lậu có dấu hiệu kháng lại một số thành phần như penicillin, tetracyclin, sulfonamides, nhóm quinolon… Bên cạnh đó, vi khuẩn lậu Neisseria gonorrhoeae có thể kết hợp với các loại vi khuẩn khác gây viêm niệu đạo, trong đó điển hình nhất là với vi khuẩn Chlamydia trachomatis, Ureaplasma, Mycoplasma hay một số tác nhân khác như nấm, trùng roi.
3. Phương pháp xét nghiệm tìm ra vi khuẩn lậu
3.1 Nuôi cấy vi khuẩnNuôi cấy vi khuẩn có thể coi là phương pháp tiêu chuẩn trong chẩn đoán và điều trị bệnh lậu. Mẫu bệnh phẩm sau khi lấy sẽ được cho vào môi trường thích hợp để tiến hành nuôi cấy. Môi trường nuôi cấy được các bác sĩ tin dùng hiện nay là Thayer-Martin có chứa Vancomycin. Sau khi nuôi cấy vi khuẩn lậu, kết quả là dương tính nếu có dấu hiệu tăng trưởng của vi khuẩn và âm tính nếu không có sự tăng trưởng.
Ngoài ra, việc nuôi cấy vi khuẩn còn hỗ trợ các bác sĩ trong việc đưa ra phác đồ điều trị phù hợp do phương pháp này có khả năng xác định xem liệu vi khuẩn lậu có dấu hiệu kháng lại loại kháng sinh nào không. Phương pháp này là phương pháp cho kết quả chính xác cao nhất về khả năng mắc bệnh lậu. Tuy nhiên, do đặc tính của vi khuẩn lậu khá nhạy cảm với môi trường nên quá trình nuôi cấy diễn ra khá khó khăn, có thể đem lại kết quả sai lệch nếu xảy ra sơ sót trong giai đoạn tiến hành.
3.2 Nhuộm Gram lậu cầu
Nhuộm Gram lậu cầu là phương pháp nhuộm mẫu vi khuẩn bằng loại thuốc nhuộm chuyên dụng, qua đó có thể quan sát chúng dưới kính hiển vi một cách rõ nét. Mẫu lấy xét nghiệm thường lấy mẫu ở niệu đạo hoặc mẫu nước tiểu đầu dòng.
Khi quan sát qua kính hiển vi, nếu vi khuẩn lậu điển hình nằm bên trong hay sát cạnh bạch cầu đa nhân thì có thể kết luận dương tính. Trường hợp chỉ thấy song cầu Gram (-) nằm ngoài bạch cầu hay hình thái không điển hình nằm trong bạch cầu, cần tiến hành xét nghiệm bằng phương pháp khác để xác định chính xác. Phương pháp nhuộm Gram chỉ cho kết quả chính xác đối với nam giới, đối với nữ giới do đặc điểm vi khuẩn lậu thường phân bố ở nhiều vị trí và có thể lẫn với các vi khuẩn có lợi nên kết quả sau khi nhuộm Gram không đủ để xác định tình trạng bệnh.
3.3 Xét nghiệm PCR
Xét nghiệm PCR (Polymerase Chain Reaction, phản ứng chuỗi polymerase) là một loại xét nghiệm sinh học phân tử, tiến hành bằng cách tạo ra một lượng bản sao DNA mục tiêu trong ống nghiệm dựa trên nguyên lý vận hành của chu kỳ nhiệt.
Xét nghiệm PCR lậu được thực hiện theo quy trình: lấy mẫu bệnh phẩm là dịch tiết tại cơ quan sinh dục hoặc mẫu nước tiểu bằng tăm bông chuyên dụng, sau đó bảo quản ở tủ mát dưới 25oC và đưa đến phòng xét nghiệm trong vòng 48 giờ.Xét nghiệm PCR là phương pháp mới với độ đặc hiệu và độ nhạy cao. Tuy nhiên, cần chú ý nhiệt độ bảo quản và thời gian vận chuyển có thể ảnh hưởng tới kết quả của xét nghiệm. Ngoài ra, kết quả xét nghiệm có thể sai lệch nếu mẫu bệnh phẩm bị ngoại nhiễm từ bên ngoài.