Hãy hiểu đặc điểm của tuổi vị thành niên để tránh hậu quả xấu cho trẻ và gia đình

Nhiều vụ việc đau lòng đã từng xảy ra với trẻ ở tuổi vị thành niên. Những sự việc như thế dễ tạo ra một bi kịch trong gia đình. Khi ấy trẻ sống trong sự khủng hoảng tinh thần, diễn biến tâm lý xấu kéo dài, sức khoẻ giảm sút nếu chúng ta không kịp thời cứu giúp.

Khái niệm vị thành niên

Vị thành niên (hiểu là người sắp đến tuổi trưởng thành) là một khái niệm chưa được thống nhất về độ tuổi. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quy định lứa tuổi 10 – 19 tuổi là độ tuổi vị thành niên. 

Ở nhiều quốc gia, bao gồm Australia, Ấn Độ, Philippines, Brazil, Croatia và Colombia, trẻ vị thành niên được xác định là một người dưới tuổi 18.

Trong khi  Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan và Hàn Quốc, trẻ vị thành niên là người dưới 20 tuổi. Pháp luật New Zealand  quy định trẻ vị thành niên là người dưới 18 tuổi.

Tại  Việt Nam, trẻ vị thành niên là trẻ ở lứa tuổi từ 10 đến 19 tuổi. Trẻ em  được luật pháp bảo vệ chăm sóc giáo dục là dưới 16 tuổi. Về mặt luật pháp trẻ vị thành niên là trẻ dưới 18 tuổi.

Kết quả hình ảnh cho Hãy hiểu đặc điểm của tuổi vị thành niên để tránh hậu quả xấu cho trẻ và gia đình"

Lớp tuổi vị thành niên này được chia ra ba nhóm: Từ 10 đến 13 tuổi là nhóm vị thành niên sớm; Từ 14 đến 16 tuổi là nhóm vị thành niên giữa; Từ 17 đến 19 tuổi là nhóm vị thành niên muộn. Sự phân chia này dựa theo đặc điểm ít nhiều khác nhau về phát triển cơ thể và tâm sinh lý của lứa tuổi vị thành niên, để việc chăm sóc sức khoẻ cho phù hợp với từng nhóm đối tượng. Tuy vậy cách phân chia này cũng chỉ có tính tương đối.

Theo các nhà nghiên cứu, có những lý do về mặt sinh học khiến họ tin rằng cần phải mở rộng khái niệm vị thành niên, trong đó thuyết phục nhất là việc sau tuổi 18, 19, cơ thể con người vẫn tiếp tục phát triển. Chẳng hạn não người vẫn tiếp tục hoàn thiện hơn sau tuổi 20 để hoạt động nhanh và hiệu quả hơn. Chưa kể với không ít người, răng khôn chỉ bắt đầu xuất hiện khi họ đã bước vào tuổi 25. Cùng với lý do sinh học, những xu hướng lựa chọn cuộc sống mới của người trẻ cũng là lý do để nhóm nghiên cứu đề xuất việc “xét lại” độ tuổi vị thành niên. Trên thực tế, người trẻ hiện nay đã và đang ngày càng kết hôn, có con muộn hơn. 

Những thay đổi về tâm lý của tuổi vị thành niên

Vị thành niên chính là thời đẹp nhất của cuộc đời

Vị thành niên chính là thời đẹp nhất của cuộc đời

Từ những thay đổi lớn về mặt sinh học, trẻ vị thành niên có những thay đổi nhiều về tâm lý. Với những đặc điểm sinh lý riêng biệt, trẻ muốn khẳng định mình nên dễ thay đổi tính cách, hành vi ứng xử được thể hiện như sau:

– Tính độc lập: Bắt đầu có xu hướng tách ra, ít phụ thuộc vào cha mẹ. Chuyển từ sinh hoạt gia đình sang sinh hoạt bạn bè, tín ngưỡng để đạt được sự độc lập. Đôi khi chống đối lại bố mẹ.

– Về nhân cách: Cố gắng khẳng định mình như một người lớn vì vậy có những hành vi bắt chước người lớn.

– Về tình cảm: Chuẩn bị cho mối quan hệ yêu đương (xuất hiện tình yêu bạn bè, khó phân biệt đâu là tình yêu, đâu là bạn bè, dễ mơ mộng, khi đổ vỡ niềm tin dễ chán nản), học cách biểu lộ tình cảm và điều khiển cảm xúc, phát triển khả năng yêu và được yêu, tỏ thái độ thân mật trong quan hệ với người khác.

– Tính tích hợp: Những thông tin thu thập được từ cha mẹ, nhà trường, xã hội, bạn bè, người trung gian, các hoạt động văn hóa là cơ sở để tạo ra giá trị của bản thân tạo niềm tự tin và cách ứng xử.

– Về trí tuệ: Vị thành niên thường thích lập luận, suy diễn nhìn sự vật theo quan điểm lý tưởng hóa. Giai đoạn phát triển đặc biệt này chịu ảnh hưởng rất mạnh mẽ của các điều kiện văn hóa, giáo dục, kinh tế của môi trường gia đình và xã hội đồng thời cũng là giai đoạn gây nhiều lo ngại cho các bậc cha mẹ và cho cộng đồng.  Tuổi vị thành niên ở mỗi nền văn hóa có những đặc điểm riêng nhưng nói chung còn bộc lộ tính phụ thuộc, sự khủng hoảng về nhân cách và hoang mang về tâm lý mà như nhiều người đã nhận xét, các em đang muốn khám phá chính mình. Tuy trưởng thành về mặt cơ thể nhưng vị thành niên chưa được hình thành nhân cách.

Những điều đáng lo ngại ở tuổi vị thành niên và giải pháp

Lứa tuổi này vẫn đang trong giai đoạn trẻ học tập ở nhà trường nhưng rất dễ bị ảnh hưởng những điều xấu từ xã hội. Những điều đáng lo ngại nhất cho mỗi gia đình có trẻ vị thành niên có thể kể ra những lo ngại nổi bật nhất:

1. Quan hệ yêu đương sớm:

Nguyên nhân và hậu quả: Trẻ vị thành niên có trí tuệ, thân thể phát triển nhanh hơn, thêm vào đó là với lượng thông tin về tình cảm lứa đôi và giới tính (có thông tin có lợi nhưng cũng có rất nhiều thông tin không lành mạnh)…, là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ thích khám phá, tìm tòi tri thức về đặc điểm bạn khác giới, tình cảm đối với bạn khác giới, tìm hiểu về sự phát triển của cơ thể bản thân. Bởi vậy một số học sinh bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông tự ngộ nhận mình đang yêu. Tình yêu ở “tuổi học trò” xuất hiện.

Trẻ vị thành niên nói chung, học sinh bậc trung học nói riêng yêu sớm là vấn đề khiến các bậc cha mẹ và thầy cô cảm thấy không yên tâm. Trong lớp học hay ở nhà, các em “đang yêu” có biểu hiện bề ngoài rất yêu đời, hay hát những bài hát có những ca từ ca ngợi tình yêu đôi lứa, hay mơ mộng, thích làm đẹp và “không thích” học tập nữa. Tình trạng có chiều hướng xấu đi là từ học sinh giỏi, chăm ngoan trở thành học sinh cá biệt, thích làm nổi, không thuộc bài khi ở lớp, về nhà thường nói dối cha mẹ, người lớn trong gia đình, bắt đầu tiêu xài tiền phung phí… Đôi khi do áp lực học tập căng thẳng và do nhận thức không đúng, trẻ đã tìm đến “tình yêu” để cảm thấy được “thư giãn” đầu óc (?). Thậm chí, học sinh yêu sớm đến mức mù quáng muốn làm người lớn về chuyện tình dục. Học sinh nam, nữ yêu nhau rủ nhau vào nhà nghỉ hoặc có hành vi sinh hoạt tình dục thiếu an toàn.
Cần nhẹ nhàng khuyên trẻ tránh những hậu quả khi yêu sớm

Cần nhẹ nhàng khuyên trẻ tránh những hậu quả khi yêu sớm

Việc cần giúp trẻ: 

Khi đã phân tích rõ các nguyên nhân về thể chất, tâm lý, môi trường sống, áp lực của việc học… thì việc hạn chế hiện tượng học sinh trung học yêu sớm là có thể và cần làm ngay trước khi quá muộn.

– Thứ nhất, để giúp trẻ có thể trưởng thành khỏe mạnh, cha mẹ, thầy cô giáo và xã hội cần phải kết hợp với nhau. Đó chính là thực hiện tốt mối quan hệ ba môi trường giáo dục: gia đình – nhà trường và xã hội; nhắm đúng vào thực tế của trẻ để tìm những biện pháp đề phòng tích cực giúp trẻ thấy việc học tập là thích thú, là bổn phận của mình.

– Thứ hai, ngăn chặn tình trạng yêu sớm ở học sinh không chỉ là trách nhiệm của nhà trường, cha mẹ mà là của toàn xã hội. Nhà trường nên tổ chức các hoạt động giáo dục phong phú, đa dạng phù hợp với lứa tuổi như mở các lớp chuyên đề, sinh hoạt ngoại khóa về phát triển giới tính của trẻ, tình bạn trong học sinh, cách học tập đạt hiệu quả; hoặc tổ chức các phong trào văn nghệ, thể thao.

Bên cạnh đó, tổ chức cho các em đọc tham khảo những sách giáo khoa, tài liệu do các cơ quan có trách nhiệm ban hành như Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế đề cập đến nội dung giáo dục giới tính, tâm sinh lý  lứa tuổi dậy thì, quá trình thay đổi phát triển của các bộ phận cơ thể. Điều này hướng các em thiết lập những mối quan hệ lành mạnh giữa bạn trai – bạn gái. Tất cả các hoạt động trên đều phải dựa trên tiền đề tôn trọng nhân cách của các em, tạo tâm lý thoải mái, gợi mở để các em tâm sự, tự tin nêu lên những thắc mắc về các góc độ (cơ thể, tâm sinh lý, kiến thức SKSS).

Song song đó, cha mẹ phải luôn là người gần gũi, xử lý tốt mối quan hệ với trẻ. Từ đó hiểu trẻ hơn, kịp thời phát hiện những biểu hiện, hành động của con cái và có định hướng tư tưởng, tư vấn cho trẻ. Dẫu cha mẹ biết trước tình yêu này thường chẳng bền lâu nhưng cũng tuyệt đối không được dùng mọi biện pháp đe dọa, ngăn chặn bởi điều này có thể gây ra một số hậu quả tiêu cực, đặc biệt với những đứa trẻ có cá tính mạnh.
Hãy gần gũi và tâm sự với trẻ

Hãy gần gũi và tâm sự với trẻ

– Thứ ba, tiến hành trang bị kiến thức về SKSS, giáo dục giới tính cho học sinh theo đặc điểm lứa tuổi và từng giới. Trong thời kỳ thanh xuân của học sinh trung học, sẽ xuất hiện sự khác biệt sự hoàn thiện về sinh lý và chưa thành thực về đạo lý. Vì vậy, khi giáo dục giới tính, tình bạn, tình yêu cho các em cũng phải chú ý phù hợp từng loại đối tượng. Như đối với số trẻ chưa yêu thì khi giáo dục chủ yếu là tiến hành các hình thức giáo dục đề phòng, ngăn chặn trẻ bước vào con đường yêu sớm. Nhưng đối với trẻ vừa mới yêu thì chủ yếu là tiến hành các hình thức giáo dục, thuyết phục để trẻ nhận thức được sự nguy hại của việc yêu sớm, tự giác chuyển hướng vào học tập. Đối với những học sinh đã yêu và không thể tự rút ra được thì hướng giáo dục chủ yếu là bảo vệ, ngăn chặn những việc đáng tiếc có thể xảy ra.

2. Quan hệ tình dục sớm:

Nguyên nhân và Hậu quả: Có nhiều nguyên nhân như hiện tượng yêu đương sớm. Nhưng tiến tới quan hệ tình dục sớm sẽ có những hậu quả nặng nề hơn. Do sự phát triển cơ thể chưa hoàn chỉnh, vì vậy hành vi tình dục ở độ tuổi vị thành niên thường không kiểm soát và thường dẫn đến thai nghén ngoài ý muốn.  Nếu mang  thai ở tuổi vị thành niên sẽ liên quan đến một số hậu quả nghiêm trọng cho sức khoẻ tình dục như nạo phá thai, sẩy thai, sinh thiếu cân, đẻ non, thai nhỏ so với tuổi thai, tử vong mẹ. Đây thực sự là một thảm họa, là gánh nặng cho bản thân, cho gia đình và xã hội. Chính sự mang thai ở tuổi vị thành niên cũng gây ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển thể chất và tâm sinh lý cũng như phát triển trí tuệ sau này. Quan hệ tình dục không an toàn có nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục đang là nỗi lo ngại của cộng đồng (lậu, giang mai, HIV…).

Ngoài hậu quả với bản thân, quan hệ tình dục sớm còn tạo ra những hậu quả về kinh tế, xã hội: Hạn chế khả năng học tập hoặc bỏ học dẫn đến giảm cơ hội tìm được việc làm tốt hoặc từ bỏ quyền làm mẹ, có khi giết đứa trẻ mới sinh hoặc bi quan tự sát, làm gái mại dâm…  Điều kiện kinh tế khó khăn sẽ ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của cả mẹ và con. Nhà nước phải chi trả trực tiếp trợ cấp về y tế, xã hội để giải quyết khó khăn cho mẹ và con; làm tăng tốc độ phát triển dân số; điều kiện chăm sóc trẻ và sức khỏe của người mẹ không được tốt.
Cần lựa chọn cơ sở y tế tin cậy

Cần lựa chọn cơ sở y tế tin cậy

Việc cần giúp trẻ: Phải dạy cho các em những kiến thức, kỹ năng cụ thể như cách từ chối tình dục, cách giữ gìn thân thể, cách thoát hiểm… Tùy theo lứa tuổi mà có phương thức, nội dung phù hợp. Ở trường học nên tổ chức vào giờ ngoại khóa, sinh hoạt chủ đề, phòng tư vấn và tùy nội dung có thể nam, nữ học riêng. Tại nhà bố mẹ nên dành thời gian trò chuyện tâm sự, giữa mẹ với con gái, bố với con trai.

Đây chính là chìa khóa giúp con biết cách tự vệ, giữ gìn bản thân ở mọi hoàn cảnh,  khi người khác có cái nhìn khiếm nhã, có động tác đụng chạm, người lạ rủ đi chơi, dụ cho ăn uống, cho quà… Vấn đề mấu chốt là trang bị cho con gái lứa tuổi vị thành niên kỹ năng sống và biết cách từ chối trước những đòi hỏi hoặc dụ dỗ từ bạn tình; những cách ứng xử hợp lý trong mọi tình huống để giúp con tránh được những nguy cơ có thể đến với chúng. Đặc biệt không được trẻ tự ý phá thai ở những cơ sở y tế không an toàn cho trẻ.

3. Trẻ vị thành niên trầm cảm:

Hãy để ý những dấu hiệu trẻ bị trầm cảm

Hãy để ý những dấu hiệu trẻ bị trầm cảm
Dấu hiệu: 
Những dấu hiệu giúp chúng ta biết trẻ vị thành niên bị trầm cảm

– Không quan tâm tới các hoạt động yêu ích: Đây là dấu hiệu báo động đầu tiên cho thấy trẻ có những thay đổi về tâm trạng.
– Rối loạn giấc ngủ: Ngủ quá nhiều hoặc quá ít đều có thể là dấu hiệu trầm cảm ở tuổi vị thành niên. Yếu tố khác phụ huynh nên nhận thấy cùng với những thay đổi mô hình giấc ngủ là trẻ có thể làm trái với những hoạt động thường ngày của mình.
– Thiếu tương tác xã hội: Nếu trẻ vốn thân thiện, vui vẻ và hướng ngoại bỗng thu mình dưới một lớp vỏ, đó có thể là dấu hiệu trẻ đang phải chịu đựng trầm cảm.
– Nói về tự sát: Một đứa trẻ khỏe mạnh và tâm lý ổn định sẽ không nói về tự sát. Nhưng nếu trẻ bắt đầu trở nên quá tò mò về tự sát, bắt đầu tìm kiếm các chủ đề, bài báo về tự sát. Bạn không nên bỏ qua dấu hiệu này. Hãy nói chuyện với con bạn về lý do tìm kiếm thông tin về tự sát. Bạn có thể nhờ chuyên gia tư vấn về điều này.
– Thay đổi thói quen ăn uống: Thói quen ăn uống có liên quan nhiều đến trạng thái tâm lý của bạn. Điều này cũng đúng với trẻ vị thành niên. Vì vậy, nếu con bạn ăn quá nhiều hoặc quá ít, bạn nên chú ý. Thay đổi thói quen ăn uống có thể do con bạn có những thay đổi tâm trạng mà bạn cần lưu tâm.
– Xuống hạng: Nếu trẻ bắt đầu sa sút về lực học cùng với những thay đổi về chế độ ăn, ngủ thì có thể do trẻ đang trải qua những biến đổi tâm lý sâu sắc. Đây là có thể là dấu hiệu của trầm cảm.
– Quá nhạy cảm: Trẻ vị thành niên bị trầm cảm thường có tâm trạng quá nhạy cảm. Điều này thể hiện khi hội thoại cùng cha mẹ, ở những câu nói mang tính hờn dỗi như “bố mẹ không yêu con”, “bố mẹ không có thời gian dành cho con”. Đây có thể là một dấu hiệu đáng báo động.
– Thay đổi tâm trạng: Khó chịu, buồn bã, hiếu động, cô đơn, hạnh phúc thái quá là một số cảm xúc trẻ sẽ phải đối mặt khi bị trầm cảm.

Nguyên nhân: Nguyên nhân gây trầm cảm vẫn chưa được biết rõ, nhưng có rất nhiều vấn đề có liên quan tới chứng bệnh này như:
– Sinh học: các chất dẫn truyền thần kinh dẫn truyền các tín hiệu tới các phần khác của não và cả cơ thể. Khi những chất hóa học này bị hư hoặc biến đổi, chức năng của thụ thể thần kinh và hệ thần kinh cũng bị thay đổi, dẫn tới trầm cảm.
– Nội tiết tố: các thay đổi trong việc cân bằng các nội tiết tố của cơ thể có thể gây trầm cảm.
– Các đặc điểm di truyền: trầm cảm thường gặp hơn ở những người có người thân mắc chứng trầm cảm
– Các trải nghiệm đau thương từ thuở nhỏ: các sự kiện đau thương trong thời thơ ấu như bị lạm dụng thể xác hoặc tinh thần, hoặc mất cha mẹ có thể làm thay đổi trong não bộ, làm cho người đó dễ bị trầm cảm hơn.
– Quen suy nghĩ tiêu cực: trầm cảm tuổi teen có thể có liên quan tới việc quen cảm giác bất lực hơn là cảm thấy có khả năng tự tìm được cách giải quyết cho những thử thách trong cuộc sống.

Việc cần làm: Nếu các triệu chứng trầm cảm đang bắt đầu hoặc tiếp tục quấy rầy cuộc sống của con bạn, hãy gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý được huấn luyện làm việc với trẻ vị thành niên. Các triệu chứng trầm cảm không tự mất đi – và chúng có thể trở nên tệ hơn hoặc dẫn tới các vấn đề khác nếu không được chữa trị. Rất nhiều trường hợp cần phải chữa trị bằng thuốc, do bác sỹ chỉ định. Trẻ vị thành niên bị trầm cảm có nguy cơ tự tử mặc dù các triệu chứng không quá nghiêm trọng. 
Để đạt hiệu quả tốt hơn, hãy nói với con cùng chuẩn bị với bạn. Lập một danh sách bao gồm:
– Bất kì triệu chứng nào mà trẻ có, cả những triệu chứng có vẻ như không liên quan tới chứng bệnh của trẻ.
– Những thông tin cá nhân chính yếu như bất kì căng thẳng nào trong cuộc sống hoặc các thay đổi gần đây trong cuộc sống của trẻ.
– Tất cả loại thuốc, vitamin, các loại thảo dược hay thuốc bổ mà trẻ đang uống.
– Các câu hỏi mà bạn và trẻ muốn hỏi bác sĩ.

4. “Nổi loạn” ở tuổi vị thành niên

Nguyên nhân và biểu hiện: Do thay đổi sinh lý và các tuyến nội tiết trong cơ thể nên trẻ vị thành niên dẫn đến những rối loạn tâm lý. Đặc biệt khi bị thêm áp lực về học tập hoặc những xung đột trong gia đình thì trẻ dễ bị kích thích, hay nổi cáu vô cớ. Trẻ có thể đánh bạn, đánh em, cãi lại và có nhiều hành vi hỗn láo với bố mẹ hoặc giáo viên. Mệt mỏi thường xuyên nên trẻ hay bỏ học. Khó tập trung chú ý, vì thế trẻ rất lơ đễnh trong nghe giảng. Trí nhớ sút kém, do vậy trẻ không nhớ được nội dung bài học, không nhớ được những điều bố mẹ dặn dò. Hay có ý định và hành vi tự sát do chán nản, bi quan, học tập sút kém, do bị ảnh hưởng của game bạo lực. Nhiều trẻ đã bỏ nhà đi lang thang khi có những kẻ xấu lôi kéo.
Xử sự sai dễ kích thích thêm sự nổi loạnXử sự sai dễ kích thích thêm sự nổi loạn

Việc cần làm: Chúng ta cần hết sức bình tĩnh vì theo giáo sư thần kinh học Gina Rippon, đến từ Đại học Aston (Anh), đã “biện hộ” cho trẻ vị thành niên nổi loạn. Theo bà, cha mẹ và giáo viên không nên quá đau khổ khi một đứa trẻ bỗng trở nên khó bảo vào giai đoạn vị thành niên. Sự nổi loạn ấy như một hệ quả tất yếu khi não bộ được nâng cấp từ trẻ em sang người lớn với nhiều thay đổi có thể ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi của trẻ. Nói đúng hơn, sự nổi loạn có thể đơn giản là một chút “chập mạch” như khi bạn cố nâng cấp “cỗ máy” não bộ. 

Rất may mắn, sự bốc đồng của thiếu niên hoàn toàn khác biệt với sự bốc đồng của người lớn, xét theo các mặt hoạt động thần kinh. Vì thế, giai đoạn ẩm ương của thiếu niên thực sự là dấu hiệu của quá trình tinh chỉnh các hoạt động thần kinh nhằm tạo ra người lớn chín chắn hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải “bó tay” trước mọi hành vi nổi loạn của con mình. Trẻ vị thành niên vẫn cần có một hệ thống rất khéo léo liên kết giữa nỗ lực và phần thưởng. Thực sự, hầu hết các bé đều đang cố kháng cự lại những phút nổi loạn. Hãy động viên và khuyến khích trẻ đúng lúc, bạn sẽ thấy hiệu quả.

BigSchool (Tổng hợp)

Tài liệu tham khảo:

1. BS. Trần Lan Anh. Chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên như thế nào? – Báo “Sức khoẻ và Đời sống”.
2. Lê Thành An. Yêu sớm ở trẻ vị thành niên – Câu hỏi cần lời giải đáp – Báo “Đồng Khởi”.
3. BS. Thu Vân. Dấu hiệu trầm cảm ở trẻ vị thành niên – Báo “Khoa học và Đời sống”.
4. Nhóm bác sỹ “Hello Doctor” – Trầm cảm tuổi thiếu niên, tuổi teen.
5. Anh Thư. Giải mã tuổi thiếu niên nổi loạn – Theo The Conversation, Daily Mail.