Một điểm khá thú vị khi nói đến ẩm thực phương Đông là tinh thần thực dưỡng. Điều này có thể thấy rất rõ qua những nguyên tắc kết hợp thành phần trong nghệ thuật ẩm thực, thậm chí có khi trở nên cầu kỳ, phức tạp. Tuy nhiên, có một món rất phổ biến trong nhiều quán ăn (nhất là ở Nam Bộ) đã vận dụng nó một cách đơn giản mà hiệu quả. Đó là món súp được nấu từ các hạt nêm và một nguyên liệu duy nhất: rau ngò gai.
Rau ngò gai còn được gọi là mùi tàu, mùi gai, ngò tây, ngò tàu, rau mùi cần, dã nguyên tuy…, có tên khoa học là Eryngium foetidum, thuộc họ Apiaceae.
Ngò gai là cây thân thảo, thấp với các lá thuôn dài hình mũi mác mọc từ gốc và xòe ra các hướng như hoa thị, mép lá có răng cưa.
Hoa ngò gai mọc thành cụm, có lá kèm với các mép răng cưa cứng và nhọn hơn lá chính. Lá ngò gai là bộ phận sử dụng chính để làm gia vị, hương liệu trong nấu ăn mặc dù toàn cây ngò gai đều có tinh dầu và mùi ngò gai đặc trưng dễ chịu. Do đó, không có gì khó hiểu khi có người xem mùi ngò gai là đại diện cho hương vị của nhân gian:
“Có cay có ngọt có bùi
Có đầu đắng lưỡi, có mùi ngò gai”
(Vị lý dương gian)
Theo y học cổ truyền, rau ngò gai có vị the, tính ấm, mùi thơm hơi hắc, chuyên khử thấp nhiệt, thanh uế. Do đó, rau ngò gai được dùng để điều trị chứng hôi miệng và hơi thở nặng mùi rất hay. Đó cũng là câu trả lời cho lý do vì sao các quán ăn hay dùng rau ngò gai làm nước súp: chính là để khử mùi và làm sạch khoang miệng sau khi ăn những món chiên, xào, nướng và các món dễ để lại mùi tanh…
Bài thuốc: lấy một nắm rau ngò gai rửa sạch rồi sắc lấy nước đặc, để thêm ít muối và dùng nước đó súc miệng, khò khạc trong họng nhiều lần trongngày.
Y học cổ truyền cũng ghi nhận công dụng làm mạnh tỳ vị và kích thích tiêu hóa của cây ngò gai. Theo đó, khi ăn uống khó tiêu hoặc cảm mạo có thể đun sôi khoảng 10 g ngò gai khô và 6 g cam thảo đất trong 300 ml nước, sau khi sôi khoảng 15 phút thì để nguội và chia thành 3 lần uống trong ngày.
Bên cạnh đó, nếu cơ thể người bệnh bị nhiễm lạnh gây sổ mũi và hâm hấp sốt, có thể dùng rau ngò gai (30 g, xắt thành đoạn ngắn chừng 1,5 – 2 cm) nấu với thịt bò (50 g, băm nhỏ) và vài lát gừng, nấu trong 1 tô rưỡi nước. Sau khi nấu chín, để thêm gia vị cho vừa miệng rồi cho thêm chút tiêu vào (tiêu giã nát) và ăn khi còn ấm nóng. Sau khi ăn, người bệnh cần đắp chăn cho đổ mồ hôi rồi lau sạch và thay quần áo khác.
Rau ngò gai còn có công dụng trục hàn tà và giải khí trướng. Do đó, nó cũng được dùng trong bài thuốc điều trị khí trướng làm khó thở.
Cách dùng: lấy rau ngò gai tươi (khoảng 0,5 kg) rửa sạch rồi phơi khô dưới nắng, mỗi ngày sắc khoảng 40 g trong 2 chén nước cho đến khi còn lưng 2/3 chén thì chia làm 2 lần uống (uống khi còn ấm).