Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi bị ho: Nguyên nhân và cách chăm sóc hiệu quả

Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi bị ho không chỉ khiến trẻ khó chịu, bỏ ăn, dễ bị nôn trớ mà đây còn có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm.

Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi bị ho

Trẻ sơ sinh sức đề kháng còn rất yếu nên dễ bị ho. Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi bị ho là do ô nhiễm môi trường, hóc dị vật, dị ứng, cảm lạnh, nhiễm trùng đường hô hấp, ho gà,… Đi kèm với triệu chứng ho có thể là sốt, thở khò khè, mũi hoặc cổ họng của bé bị tắc nghẽn bởi các loại đờm, dịch nhầy…

tre so sinh 1 thang tuoi bi ho: nguyen nhan va cach cham soc hieu qua - 1

Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi bị ho có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm. (Ảnh minh họa)

– Ho khan: Ho khan là trường hợp phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh. Nguyên nhân khiến trẻ ho khan có thể là do trẻ bị viêm thanh quản và khi mắc bệnh này, trẻ thường ho nhiều về đêm.

– Ho đột ngột khi ăn hoặc sau khi ăn: Trong trường hợp này, trẻ có thể đã nuốt thức ăn hoặc nước uống nhầm đường hô hấp.

– Ho kèm theo thở khò khè: Khi trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi bị ho kèm theo tiếng thở khò khè thì đường thở phía dưới của trẻ có thể bị tăng tiết dịch nhầy do nhiễm vi khuẩn, virus hay bị mắc một vật nào đó.

– Ho có đờm: Đờm tích tụ trong mũi, cổ họng khiến việc hô hấp của bé trở nên khó khăn hơn, từ đó khiến bé mệt mỏi, chán ăn, hay quấy khóc. Nếu trẻ ho có đờm, sổ mũi và sốt cao (39-40 độ C) thì trẻ có thể đã mắc một số bệnh như viêm phổi, viêm phế quản hoặc viêm họng cấp.

Cách chữa đờm cho trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi

1. Xông hơi bằng nước ấm

Khi trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi bị ho có đờm, mẹ có thể xông hơi bằng nước ấm cho trẻ. Với cách này, mẹ hãy đổ đầy nước ấm vào bồn tắm rồi đóng kín cửa và bế bé ngồi ở trong phòng tắm. Hơi nước có thể giúp bé làm tan đờm và khai thông đường thở cho bé. Mỗi ngày mẹ nên làm điều này 4 lần và mỗi lần khoảng 10 phút. Lưu ý, sau khi đưa bé ra ngoài, mẹ nên lau khô người bé thật kỹ và tránh tiếp xúc với gió để tránh nhiễm lạnh.

tre so sinh 1 thang tuoi bi ho: nguyen nhan va cach cham soc hieu qua - 3

Xông hơi bằng nước ấm là một cách chữa đờm cho trẻ sơ sinh hiệu quả. (Ảnh minh họa)

2. Vỗ long đờm

Vỗ lưng long đờm vừa giúp lưu thông tuần hoàn máu ở phổi vừa có tác dụng làm long đờm trong phế quản. Cách vỗ lưng long đờm cho trẻ như sau:

– Mẹ đặt bé nằm sấp trên 2 đùi, nâng đầu bé cao hơn lưng một chút hoặc cho bé nằm nghiêng sang một bên, kê gối mỏng hoặc khăn xô dưới mông tạo một góc tầm 15 độ để đầu thấp hơn. 

– Nhỏ nước muối sinh lý vào mũi và miệng để làm loãng đờm.

– Khum bàn tay lại để tạo thành một khoảng trống không khí, vỗ nhẹ sau lưng trẻ ở vùng phổi của trẻ (từ ngang lưng trở lên). Mẹ vỗ từ dưới vỗ lên nhằm dẫn lưu đờm từ dưới lên miệng, họng.

– Thời gian thực hiện vỗ long đờm cho trẻ là khoảng 10-15 phút. Lưu ý, nên cho trẻ nhịn ăn trước khi vỗ long đờm khoảng 2 giờ để tránh tình trạng nôn trớ. Tốt nhất mẹ nên vỗ long đờm cho trẻ vào buổi sáng sau khi thức dậy vì sau một đêm, lượng đờm tích tụ trong cổ họng và mũi bé sẽ nhiều hơn.

3. Vệ sinh mũi

Khi trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi bị ho có đờm, mẹ nên vệ sinh mũi cho trẻ thường xuyên bằng nước muối sinh lý. Đầu tiên, mẹ đặt trẻ nằm nghiêng, giữ đầu trẻ cố định rồi nhỏ khoảng 3 giọt nước muối sinh lý vào một bên mũi của trẻ để làm cho đờm loãng ra.

Trong quá trình này, bé sẽ quấy khóc nên mẹ hãy dùng tay đẩy cằm của bé lên, tránh để dịch nhầy di chuyển xuống cổ họng lúc bé khóc. Sau đó, mẹ dùng dụng cụ hút mũi, hút dịch nhầy trong mũi của bé ra và thực hiện tương tự với bên mũi còn lại. Mẹ nên hút mũi cho trẻ khoảng 3 lần mỗi ngày.

tre so sinh 1 thang tuoi bi ho: nguyen nhan va cach cham soc hieu qua - 4

Khi trẻ sơ sinh bị ho có đờm, mẹ nên vệ sinh mũi cho trẻ 2-3 lần mỗi ngày. (Ảnh minh họa)

4. Cho bé bú nhiều hơn

Khi trẻ bị ho có đờm có nghĩa là hệ miễn dịch của trẻ bị suy giảm. Trong khi đó, sữa mẹ rất giàu dinh dưỡng và có chứa các kháng thể cần thiết giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch, chống lại các vi khuẩn, từ đó giúp trẻ nhanh chóng phục hồi sức khỏe.

Ngoài ra, sữa mẹ còn làm loãng dịch nhầy, giúp trẻ hô hấp dễ dàng hơn. Đồng thời, sữa mẹ cũng đảm bảo bé không bị mất nước khi ốm.

5. Bổ sung thực phẩm tăng cường hệ miễn dịch trong thực đơn của mẹ

Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi vẫn còn bú mẹ nên mẹ ăn gì trẻ sẽ ăn đó.  Vì vậy, để tăng sức đề kháng cho trẻ khi trẻ bị ho có đờm, mẹ nên ăn nhiều thực phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch chẳng hạn như nho, súp lơ, thịt bò, khoai lang,…

Khi nào cần đưa trẻ tới bệnh viện?

Nếu trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi bị ho kèm theo một trong những dấu hiệu sau đây thì bố mẹ hãy đưa trẻ tới bệnh viện thăm khám:

– Trẻ ho khò khè kéo dài trên 4 tuần.

– Ho thở khò khè và thở nhanh.

– Ho có đờm, ho khan kèm theo các triệu chứng của bệnh cảm lạnh và sốt từ 38 độ trở lên.

– Ho đột ngột và kéo thành từng cơn.

– Trẻ ho khò khè kèm theo khó thở, người tím tái, ngủ li bì.

Nguồn: http://khampha.vn/me-va-be/tre-so-sinh-1-thang-tuoi-bi-ho-nguyen-nhan-va-cach-cham-soc-…