Dịch bệnh Vũ Hán ngày càng bùng phát mạnh mẽ, nhiều người đổ xô săn lùng mua khẩu trang đến cháy hàng và hy vọng sớm có vắc xin phòng corona. Vậy khi nào chúng ta sẽ có vắc xin phòng corona để đẩy lùi dịch bệnh đã được WHO thông báo mang tính khẩn cấp toàn cầu này?
Theo Bộ Y tế, số ca mắc virus corona tại Việt Nam ngày 1-2-2020 là 6 người (3 người Việt trở về từ Vũ Hán, 1 nữ nhân viên lễ tân mới phát hiện, 2 cha con người Trung Quốc, trong đó 1 người đã chữa khỏi). Trên thế giới, số người mắc virus mới này đã lên tới 11.948 với 259 ca tử vong do dịch bệnh. Với số người mắc bệnh và tử vong ngày càng tăng, những cách giúp bạn phòng ngừa virus corona có thể vẫn chưa đủ đẩy lùi dịch bệnh mà còn cần thêm một loại vắc xin phòng corona hiệu quả.
Kể từ năm 2003, thế giới đã phải đối mặt với ba đợt bùng phát dịch bệnh do virus corona là hội chứng suy hô hấp cấp nặng (SARS), hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) và hiện là dịch bệnh viêm phổi cấp do virus 2019-nCoV. Các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra cách ngăn chặn những đợt bùng phát này trước khi dịch bệnh chính thức bắt đầu. Tuy nhiên, trong 17 năm qua, các nhà khoa học đã rút ngắn đáng kể thời gian cần thiết để phát triển vắc xin phòng các loại virus mới xuất hiện. Điều này phần lớn nhờ những tiến bộ về công nghệ cũng như sự trợ giúp từ chính phủ và các tổ chức phi lợi nhuận.
Các nhà khoa học đang trong quá trình phát triển một loại vắc xin phòng virus corona 2019-nCoV. Mặc dù đây là điều khả thi nhưng loại vắc xin này có thể không kịp hoàn thiện trước khi đợt dịch bệnh kết thúc.
Sau đây là một số điểm đáng chú ý trong quá trình nghiên cứu vắc xin phòng corona trên thế giới:
• Trung Quốc | Tin tức trên trang Science báo cáo rằng một số nhóm nghiên cứu bắt đầu phát triển vắc xin phòng corona 2019-nCoV ngay sau khi các nhà khoa học Trung Quốc chia sẻ giải trình tự gene của virus vào ngày 10-1-2020. Các nhà khoa học sử dụng phương pháp này cũng có thể bắt đầu nghiên cứu vắc xin ngay khi có giải trình tự gene virus thay vì phải làm việc với các mẫu virus thực tế trong phòng thí nghiệm.
Những nhóm nghiên cứu này phát triển vắc xin dựa vào DNA và mRNA (messenger RNA – thông tin RNA) của virus được cung cấp. Công nghệ này giúp các nhà khoa học bỏ được nhiều bước trong quá trình phát hiện và phát triển vắc xin nên sẽ tiết kiệm được thời gian. Một nhóm cho biết mình sẽ có vắc xin dùng cho thử nghiệm trên động vật trong một tháng. Một nhóm nghiên cứu cũng ước tính rằng mình sẽ có vắc xin dùng cho thử nghiệm lâm sàng trên người trong 3 tháng nữa.
• Úc | Một nhóm nghiên cứu của Đại học Queensland (Úc) đang đặt mục tiêu phát triển một loại vắc xin thử nghiệm ở người trong 16 tuần. Nhóm này phát triển vắc xin bằng cách phát triển protein virus trong môi trường tế bào.
• Mỹ | Công ty dược Johnson & Johnson đã bắt đầu nghiên cứu vắc xin từ 2 tuần trước và ước tính có thể đưa vắc xin hoàn chỉnh vào thị trường trong vòng 1 năm.
Tiến sĩ Stanley Perlman, giáo sư vi sinh vật học và miễn dịch học và nhi khoa tại Đại học Iowa (Mỹ) cho biết việc phát triển vắc xin trong khoảng thời gian gấp rút là khả thi. Tuy nhiên, độ an toàn và hiệu quả của những vắc xin này vẫn cần được kiểm tra nhiều hơn.
• Nhật Bản | Vào ngày 31-1, Viện Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản (NIID) tuyên bố đã tách được mẫu virus corona mới từ cơ thể một người nhiễm bệnh tại nước này. Khi đã có mẫu virus, NIID có thể bắt đầu phát triển vắc xin, thuốc và bộ thiết bị chẩn đoán nhanh để góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Đồng thời, viện cũng sẽ tiếp tục cố gắng tìm hiểu cơ chế lây nhiễm và đẩy mạnh nghiên cứu độc tính của virus. Hơn nữa, mẫu virus mới này cũng giúp các tổ chức và nhà nghiên cứu khác tìm hiểu về bệnh sâu hơn.
Khi đã tìm ra được loại vắc xin tiềm năng, các nhà khoa học vẫn phải dùng loại vắc xin này để thử nghiệm trên động vật và thử nghiệm lâm sàng trên người ở quy mô lớn nhỏ. Đây là những bước cần thiết để đảm bảo vắc xin hoạt động hiệu quả và an toàn.
Trong đợt bùng phát hội chứng SARS 2002 – 2003, vắc xin phòng bệnh phải mất khoảng 20 tháng mới sẵn sàng thử nghiệm trên người. Sau thời gian này, dịch bệnh đã được ngăn chặn bằng các biện pháp y tế công cộng như cách ly người nhiễm bệnh, thiết lập kiểm dịch và xác định những người đã tiếp xúc với người bị bệnh.
Các biện pháp y tế này đều đã được thực hiện trong tình hình bệnh dịch hiện nay. Tuy nhiên, hiệu quả của những biện pháp này còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tốc độ virus 2019-nCoV lây lan thế nào và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Vậy nên, việc phát triển vắc xin phòng corona là rất cần thiết. Tuy nhiên, ngay cả khi vắc xin đã qua tất cả các vòng thử nghiệm thì cũng chưa chắc các nhà sản xuất thuốc có thể sản xuất đủ vắc xin để bảo vệ tất cả những người có nguy cơ tiếp xúc với virus.
Các cơ quan y tế sẽ cần ưu tiên một số đối tượng được tiêm vắc xin phòng corona. Những đối tượng ưu tiên được chọn dựa trên khả năng lây truyền virus cao hơn và triệu chứng nặng hơn.
Sau đây là một số đối tượng cần được ưu tiên khi có vắc xin phòng corona:
• Người lớn tuổi hay có bệnh mãn tính: Với sự bùng phát hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính chỉ có khoảng 20% người nhiễm bệnh đã mắc sẵn một căn bệnh nghiêm trọng. Những người tử vong do dịch bệnh thường là người lớn tuổi hoặc những người mắc bệnh mãn tính. Đây là một trong những đối tượng cần ưu tiên tiêm vắc xin.
• Nhân viên y tế trong vùng dịch bệnh: Nhân viên y tế làm việc trong vùng có dịch bệnh cũng là đối tượng cần tiêm vắc xin phòng corona. Những nhân viên y tế này nếu không được tiêm ngừa có thể lây virus qua bệnh nhân họ chăm sóc, đặc biệt là bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính.
Vắc xin phòng virus 2019-nCoV không phải cách duy nhất có thể kiểm soát dịch bệnh. Một số cách khả thi trong tương lai có thể là:
• Vắc xin phòng tất cả các loại virus corona: Kể từ năm 2003, thế giới đã có 3 đợt bùng phát virus corona. Do đó, một số chuyên gia cho rằng chúng ta cần phát triển một loại vắc xin phòng corona có tác dụng chống lại tất cả các loại virus trong họ này, ngay cả những loại chưa được biết tới. Các loại virus corona khác nhau có chung một số đặc điểm nên việc phát triển một loại vắc xin là có thể. Thế nhưng, việc nghiên cứu thành công một loại vắc xin như vậy cũng là thách thức không hề dễ dàng.
• Theo dõi virus để có vắc xin theo mùa: Đối với bệnh cúm, các nhà khoa học liên tục theo dõi các chủng virus cúm đang hoạt động trên khắp thế giới. Sau đó, họ dự đoán loại nào sẽ hoạt động trong mùa cúm sắp tới và sử dụng loại này để phát triển vắc xin cúm hàng năm. Các chuyên gia cho rằng cách theo dõi liên tục này cũng có thể áp dụng cho virus corona. Tuy nhiên, cách kiểm soát các virus corona có một chút khác biệt. Các nhà khoa học có thể cần phát triển nhiều vắc xin để dùng khi dịch bệnh xảy ra.
Các nhà khoa học đã tích cực phát triển vắc xin phòng corona ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, nhưng chúng ta sẽ cần thêm nhiều thời gian kiểm nghiệm để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả. Trong thời gian chưa có vắc xin, bạn vẫn nên chủ động phòng bệnh bằng cách giữ vệ sinh sạch sẽ, đeo khẩu trang khi ra đường và đi khám ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ nhé.
Như Vũ | HELLO BACSI